Chuyện Pháp Luật

Giải quyết những hạn chế trong tố tụng hành chính

Tranh tụng trong tố tụng hành chính là quá trình xác định sự thật khách quan về vụ án, được bắt đầu từ khi có yêu cầu khởi kiện và kết thúc khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Theo đó, các chủ thể tham gia tố tụng được đưa ra chứng cứ, lý lẽ, căn cứ pháp lý để chứng minh, biện luận để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước tòa án theo những trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hành chính quy định.

Ở nước ta, tranh tụng là một nguyên tắc hiến định, quy định ở khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 "Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm". Tuy nhiên, Luật Tố tụng hành chính (TTHC) chưa quy định về nguyên tắc tranh tụng, mà mới chỉ tiếp cận khái niệm tranh luận qua điều luật về trình tự phát biểu khi tranh luận (Điều 158). Từ đó, dẫn đến các nội dung của nguyên tắc tranh tụng chưa được quy định đầy đủ. Trên thực tế, quyền được biết và trình bày ý kiến về yêu cầu chứng cứ của người khác chưa bảo đảm. Nghĩa vụ của tòa án chưa được quy định phù hợp trong việc thực hiện quyền tranh tụng của đương sự bình đẳng, công khai, đúng pháp luật. Thí dụ, sau khi tòa án thụ lý vụ án, một đương sự không thể biết được về việc đương sự khác cung cấp chứng cứ hoặc Tòa án thu thập chứng cứ vì luật không quy định Tòa án có nghĩa vụ thông báo.

Nhìn nhận thực tiễn ba năm qua, việc thi hành Luật TTHC đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn. Trên cơ sở nội dung tổng kết bước đầu, các đại biểu đại diện TAND tối cao, Viện KSND tối cao, các tỉnh, thành phố, giới luật sư, nhà nghiên cứu luật pháp đã đề xuất những định hướng sửa đổi toàn diện luật theo quan điểm chỉ đạo và đáp ứng các yêu cầu về thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp; bảo đảm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013.

Một thực tế khác tại nhiều địa phương, khu vực nông thôn, miền núi, phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số hoặc người dân có trình độ hiểu biết chưa cao, điều kiện kinh tế không cho phép để thuê luật sư, do đó, khi tham gia tố tụng tại tòa án, các đương sự dường như không thực hiện quyền tranh tụng vì trình độ hiểu biết pháp luật của họ còn hạn chế. Đương sự đương nhiên không thể hiện được cách tự đứng ra thuyết trình, nhận xét, đánh giá các chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho họ trước tòa. Mặt khác, việc nhờ luật sư phải tốn một chi phí nhất định, chi phí này thường không được quy định cụ thể và nó mang tính dịch vụ, phải trả chi phí trước. Từ đó, việc tranh tụng trong TTHC trong thời gian qua cũng gặp những khó khăn nhất định.

Thời gian tới, thực hiện chủ trương bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013, cần nhấn mạnh việc mở rộng và tăng cường hơn nữa tính dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng của quá trình giải quyết vụ án. Yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục đổi mới, nghiên cứu, bổ sung phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tiễn thực thi pháp luật.

Giới chuyên gia hành pháp và lập pháp đều đồng tình việc tiếp tục mở rộng thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính. Trong đó, TAND với vai trò là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, cho nên việc giải quyết các khiếu kiện hành chính của người dân phải được giải quyết bởi tòa án. Như thế, tới đây sẽ nghiên cứu chuyển sang Tòa án Hành chính giải quyết các khiếu kiện của người dân bằng biện pháp tư pháp, thay cho biện pháp hành chính hiện nay. Việc thay đổi cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính này sẽ hạn chế việc gây lãng phí về thời gian, khắc phục việc kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại hành chính.

Có thể bạn quan tâm