Giải quyết gốc rễ vấn đề thông qua đối thoại trực tiếp

Việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền ở Bình Phước được tổ chức thường xuyên, liên tục, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động kiến nghị với Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước tại buổi đối thoại.
Người lao động kiến nghị với Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước tại buổi đối thoại.

Từ đó đã lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết các vấn đề, vụ việc nhanh chóng; các chính sách ban hành phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống thực chất hơn.

Nơi gặp gỡ giữa chủ trương và thực tiễn

Trong những năm qua, việc gặp gỡ, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy với nhân dân ở Bình Phước được tổ chức thường xuyên, liên tục từ cấp tỉnh đến huyện thị, xã, phường với nhiều hình thức phong phú. Đây là một trong những hoạt động của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối thoại với nhân dân theo Quyết định số 780-QĐ/TU ngày 13/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Thông qua đối thoại, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp lắng nghe những ý kiến đề xuất, kiến nghị cũng như nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân về việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cuộc đối thoại của đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy với công đoàn viên, người lao động được tổ chức vào nửa cuối tháng 5 đã giúp người đứng đầu cấp ủy ở Bình Phước và chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể nắm bắt những vấn đề còn tồn tại ở cơ sở. Sức hút của cuộc đối thoại được thể hiện thông qua 168 ý kiến, kiến nghị, phản ánh của đoàn viên, công nhân viên chức lao động, trong đó: 113 phản ánh, kiến nghị về cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến việc làm, đời sống người lao động; 55 phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động và cơ chế bảo đảm cho hoạt động của tổ chức Công đoàn.

Riêng tại buổi đối thoại, đã có 21 ý kiến trực tiếp với các nhóm vấn đề: nhà ở, các thiết chế và các phúc lợi xã hội, chính sách tiền lương và phụ cấp, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; an ninh trật tự, an toàn vệ sinh lao động; đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực và một số vấn đề liên quan đến công đoàn viên và người lao động. Các nhóm ý kiến được lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan chuyên môn trả lời tại buổi đối thoại, một số ý kiến, kiến nghị được ghi nhận và hứa sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, đối thoại là quá trình tiếp thu ý kiến từ cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của công đoàn viên, người lao động liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây là những vấn đề rất thiết thực, nhất là vấn đề nhà trọ cho công nhân, nhà ở xã hội

cho đối tượng thu nhập thấp, rồi vấn đề an ninh, an toàn trong lao động… Công đoàn viên, người lao động không thể bình an, hạnh phúc khi sống trong môi trường lo sợ bị trộm cắp, tội phạm; lao động trong môi trường mất an toàn. Do đó, các cấp, các ngành, nhất là ngành công an cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.

Công nhân Nguyễn Trọng Kiên làm việc ở Công ty TNHH CPV Food (Khu công nghiệp Becamex, thị xã Chơn Thành) cho biết: “Thông qua đối thoại, chúng tôi kiến nghị những vấn đề chính đáng và được lãnh đạo tỉnh giải quyết tận gốc của vấn đề.

Tôi tâm đắc nhất việc đồng chí lãnh đạo tỉnh nhận định về vai trò của công nhân, người lao động; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần hướng đến mạnh về mọi mặt: chất lượng lao động, năng lực cá nhân, nhận thức chính trị phải rõ ràng; chăm lo đời sống cho người lao động trên tinh thần người lao động phải tự chăm lo cho chính mình, chính quyền, xã hội chăm lo các vấn đề thiết chế, đời sống tinh thần”.

Đa dạng hình thức

Bù Đăng là huyện miền núi, tiếp giáp với hai tỉnh của vùng Tây Nguyên với 23 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 40% dân số toàn huyện. Do địa bàn rộng, địa hình đồi núi, lại có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên nhu cầu đầu tư lớn, trong khi nguồn lực địa phương hạn chế, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế.

Để nắm bắt tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người đứng đầu cấp ủy các cấp, chính quyền, đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên luôn kiên trì, sâu sát cơ sở... qua đó đề ra các giải pháp phù hợp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị chính đáng của nhân dân.

Đồng chí Vũ Lương, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân của các cấp ủy, chính quyền. Trong đó yêu cầu các đơn vị phải đổi mới công tác tiếp công dân và duy trì có nền nếp; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, trưởng các phòng, ban phải tiếp công dân một buổi/tuần; các ngày còn lại bộ phận tiếp dân sẽ thực hiện tiếp công dân theo quy định. Song song với đó, hằng năm các cấp ủy, chính quyền đều xây dựng kế hoạch gặp gỡ, đối thoại với nhân dân ít nhất một năm một lần.

Chỉ trong hai năm gần đây, đồng chí Vũ Lương, đã tổ chức trên 10 buổi gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã, thị trấn với số lượng người tham dự hơn 1.000 người; một buổi gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, viên chức ngành y tế với hơn 100 người.

Qua đối thoại huyện ghi nhận được các nhóm vấn đề về: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; vấn đề liên quan đến đất đai, quy hoạch bô-xít trên địa bàn huyện; đầu tư cơ sở vật chất trường học, trạm y tế; điện lưới đến vùng sâu, vùng xa trung tâm; hệ thống đường giao thông; phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chuyển đổi cây trồng trong nông nghiệp. Người đứng đầu cấp ủy đã nắm bắt được tình hình và cùng với Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xây dựng các nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo sát với với thực tế hơn.

Ngoài việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân định kỳ theo quy định, một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bình Phước còn có nhiều hình thức nắm bắt thông tin ở cơ sở thông qua đường dây nóng, số tổng đài, hộp thư điện tử hoặc lồng ghép trong các buổi gặp mặt, hội họp…

Đơn cử như việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Phước tổ chức gặp mặt các già làng, người uy tín tiêu biểu, có sự tham gia của các đồng chí: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lê Thị Xuân Trang; người đứng đầu cấp ủy các cấp… Ngoài chương trình họp mặt, các đại biểu đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương; kiến nghị về các chính sách an sinh xã hội, đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu…

Các kiến nghị được người chủ trì hội nghị ghi nhận, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan trả lời trực tiếp tại buổi họp mặt; đối với những kiến nghị chính đáng, mang tính cấp thiết của các đại biểu, yêu cầu các cấp xem xét xây dựng kế hoạch để triển khai hỗ trợ nhân dân và phải có hậu kiểm.

Già làng Điểu Chung ở thị xã Bình Long chia sẻ: “Đi dự đối thoại, ngoài việc nắm bắt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người dân còn được phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình. Đợt này, tôi phản ánh việc ở một số ấp, sóc trên địa bàn thị xã Bình Long, văn hóa cồng chiêng dần mai một.

Do đó, tôi đề nghị các cấp chính quyền quan tâm và được người chủ trì buổi họp mặt chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ bà con. Tôi rất vui mừng vì đi họp mặt, phản ánh được tình hình ở cơ sở, được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo giải quyết nhanh chóng. Sắp tới, đồng bào được Nhà nước hỗ trợ mua cồng chiêng, chúng tôi sẽ tập luyện để lưu giữ giá trị truyền thống”.

Việc Bình Phước triển khai nghiêm túc các quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối thoại, tiếp xúc với nhân dân đã kịp thời giải quyết được gốc của vấn đề nảy sinh ở cơ sở, qua đó góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Từ đó tạo cầu nối quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền các cấp bám sát đời sống, gần với nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, lắng nghe, phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Đặc biệt, thông qua đối thoại, tiếp xúc, những ý kiến, kiến nghị, phản ánh của nhân dân được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trả lời, giải quyết kịp thời đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cả hệ thống chính trị và phát huy dân chủ, sức sáng tạo của nhân dân.