Giải quyết dứt điểm vướng mắc về đất đai ở Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội)

NDO - Theo phản ánh của bạn đọc, Ban quản lý Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) đã giao đất chồng chéo, cắt đất thuộc quyền quản lý của đơn vị này giao cho đơn vị khác mà không thỏa thuận hoặc ban hành quyết định thu hồi… Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây.
0:00 / 0:00
0:00
Khu đất cấp chồng chéo tại khu công nghiệp Quang Minh.
Khu đất cấp chồng chéo tại khu công nghiệp Quang Minh.

Theo đó, năm 2001, tại Quyết định số 3286/QĐ-UB ngày 27/11/2001 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty Cổ phần Dược phẩm Sao Kim (Công ty Sao Kim) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất; cắm mốc giới và bàn giao đất tại thực địa để xây dựng Nhà máy sản xuất dược phẩm tại xã Quang Minh, huyện Mê Linh.

Tổng diện tích được giao là 25.032m2 (bao gồm đất xây dựng nhà máy và đất làm đường, hành lang giao thông). Công ty Sao Kim có đầy đủ các quyết định, hợp đồng giao đất, thuê đất…do UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký, ban hành. Đối với phần diện tích UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao cho Công ty Sao Kim để làm đường và hành lang giao thông, theo ông Đường Ngọc Hà, Tổng giám đốc Công ty Sao Kim, thời điểm đó toàn bộ Khu công nghiệp là đất ruộng, chưa hình thành hạ tầng và chưa có chủ đầu tư hạ tầng nên Công ty Sao Kim phải tự làm đường vào nhà máy.

Trên cơ sở các quyết định đó, Công ty Sao Kim đã tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng; xây dựng nhà máy, làm đường vào nhà máy cũng như đầu tư tài sản trên phần đất 2.520 m2 được giao. Các hạng mục nêu trên hoàn thành năm 2005 và đi vào hoạt động bình thường từ đó đến nay.

Tuy nhiên, đến tháng 4/2008, một doanh nghiệp khác đang hoạt động tại khu đất tiếp giáp với diện tích của Công ty Sao Kim là Công ty Cổ phần V-TRAC (Công ty V-TRAC) xảy ra tranh chấp diện tích 535,8m2 (trên phần diện tích làm đường và hành lang giao thông). Công ty V-TRAC là đơn vị thứ cấp do thuê lại đất được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp quyền sử dụng cho Công ty Nam Đức – chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Quang Minh).

Vụ việc đã được các cơ quan chức năng giải quyết nhưng không triệt để cho nên đến tháng 12/2018, Công ty V-TRAC làm đơn khởi kiện Công ty Sao Kim ra Tòa án nhân dân huyện Mê Linh đòi phần diện tích 535,8m2 nêu trên. Lý do Công ty V-TRAC đưa là là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp có phần chồng lấn lên diện tích đã cấp cho Công ty Sao Kim.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 32 ngày 30/6/2022 của Tòa án nhân dân huyện Mê Linh và Bản án dân sự phúc thẩm số 267/2023/DS-PT ngày 9/6/2023 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội, đều chấp nhận một phần nội dung khởi kiện của Công ty V-TRAC, yêu cầu Công ty Sao Kim phải trả lại phần diện tích được cho là thuộc quyền sử dụng của nguyên đơn.

Mặc dù vậy, các bản án cũng nhận định có việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao phần đất cho Công ty Sao Kim làm đường và hành lang giao thông. Tuy nhiên, bản án không chấp nhận yêu cầu bồi thường đối với các chi phí Công ty Sao Kim đã chi trả khi thu hồi đất và tiến hành xây dựng mà đề nghị giải quyết bằng một vụ án khác.

Công ty Sao Kim không đồng ý với các phán quyết của Tòa án với lý do Tòa án các cấp không xem xét đến các quyết định cấp, giao đất của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho đơn vị này từ năm 2001. Trong khi đó, từ khi được cấp đất đến khi xảy ra tranh chấp, phía Công ty Sao Kim không hề nhận được bất kỳ một văn bản thông báo hay yêu cầu thu hồi phần diện tích đã cấp. Cũng như không hề có bất kỳ thỏa thuận về bồi thường đối với những chi phí họ đã bỏ ra để làm đường, hàng rào…

Có thể thấy rằng, các quyết định cấp đất, giao đất cho hai doanh nghiệp nêu trên có sự chồng lấn về diện tích. Cho dù Công ty Sao Kim là đơn vị được cấp, giao đất trước nhưng việc cấp quyền sử dụng đất cho Công ty V-TRAC lại có cả phần đất đã cấp cho Công ty Sao Kim có thể thấy sự thiếu trách nhiệm của đơn vị quản lý. Lẽ ra, khi phát hiện phần đất đã cấp sai thì cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm thu hồi quyết định; tổ chức đo đạc, cấp lại đồng thời giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc thay đổi. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại chỉ căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty V-TRAC mà không xem xét quyết định giao đất trước đó cho Công ty Sao Kim để ban hành các quyết định giải quyết thiếu căn cứ dẫn đến phát sinh tranh chấp, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và hoạt động sản xuất của các bên liên quan như vậy.

Từ vụ việc nêu trên, nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp về quyền sử dụng đất ở Khu công nghiệp Quang Minh là do việc giao đất chồng lấn. Tuy nhiên, dư luận đặt ra câu hỏi về việc việc cơ quan chức năng “né tránh”, không chủ động khắc phục sai sót, không giải quyết dứt điểm từ căn nguyên vấn đề.

Điều đó cho thấy, các cơ quan liên quan cần thấu đáo hơn, rõ ràng hơn để tạo dựng môi trường ổn định, đúng pháp luật đối với việc quản lý, điều hành hoạt động ở các Khu công nghiệp.

Khu công nghiệp Quang Minh hiện có tổng số 506 doanh nghiệp hoạt động với khoảng 38 nghìn lao động. Tuy nhiên, sau hàng chục năm hoạt động, Khu công nghiệp Quang Minh hiện chưa đầu tư xây dựng hồ điều hòa theo quy hoạch; chưa giải phóng mặt bằng đối với 10,3ha; khu vực cây xanh lưu không đường sắt khoảng 2ha). Lưu vực I hệ thống thoát nước hiện chưa được kết nối nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ, kéo dài khi mưa lớn. Một số diện tích đất đã được giao cho chủ đầu tư nhưng chưa được đầu tư hạ tầng; một số diện tích đã được cho thuê sử dụng sai mục đích. Cho thấy công tác quản lý, vận hành ở đây còn nhiều bất cập.