Phường Tiền Phong trước đây là xã Tiền Phong của TP Thái Bình thuộc vùng nông thôn với ngành nghề sản xuất chính là nông nghiệp. Khi địa phương có chương trình phát triển các khu công nghiệp thì Tiền Phong là điểm nhắm đầu tiên của thành phố. Toàn phường có gần mười nghìn dân với 156 ha đất nông nghiệp. Năm 2002, xã Tiền Phong được chuyển thành phường, đồng nghĩa với việc hình thành trên địa bàn của phường khu công nghiệp Nguyễn Ðức Cảnh, cụm công nghiệp Phong Phú và khu đô thị Trần Hưng Ðạo với tổng diện tích hơn 100 ha. Vì thế, diện tích sản xuất nông nghiệp hiện nay của phường chỉ còn gần 54 ha, làm cho hàng nghìn người trong độ tuổi lao động không có việc làm hoặc chỉ có công việc theo thời vụ, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Mở đầu những bức xúc ở phường Tiền Phong là vụ việc diễn ra tại công ty Trường Phong ngày 27-7-2007. Sau đó là việc nhân dân địa phương tụ tập tại trụ sở UBND phường yêu cầu giải thích mười vấn đề liên quan giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai và một số chính sách xã hội khác. Tại đây, một bộ phận người dân tự ý dựng rạp ở vỉa hè để tổ chức họp dân, tự ý san lấp, quyên góp tiền xây sân vận động, kéo đến trụ sở UBND phường la hét, chửi bới,... gây mất trật tự. Những sự việc nói trên diễn ra tự phát và kéo dài nhiều ngày, vi phạm các quy định của pháp luật.
Trước tình hình phức tạp như vậy, TP Thái Bình đã thành lập ba đoàn thanh tra với ba nội dung: về quản lý tài chính, đất đai và giải phóng mặt bằng. Sau khi có kết luận thanh tra về công tác quản lý đất đai, tài chính ngân sách, giải phóng mặt bằng trên địa bàn phường, thành phố đã xem xét, xử lý kỷ luật đối với tập thể và cá nhân có liên quan có những sai phạm về đất đai, tài chính và đã thu hồi về ngân sách hàng trăm triệu đồng. Ðồng thời đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam một số đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, việc xử lý và thu hồi sau kết luận thanh tra và những kiến nghị chính đáng, nguyện vọng của nhân dân cần phải có thời gian nhất định mới có thể giải quyết được. Trong lúc các cấp, các ngành của tỉnh và thành phố đang tập trung giải quyết từng vụ, việc thì một số đối tượng cơ hội, bất mãn, điển hình là ông Phạm Trung Phồn, lợi dụng việc triệu tập, tung tin bị chính quyền phường bắt về trụ sở, lấy cớ ở lỳ tại UBND phường hơn hai tháng và trực tiếp kích động một số người dân đến vây ráp trụ sở, cản trở giao thông, chống người thi hành công vụ...
Ông Phạm Trung Phồn là một công dân thuộc tổ 10 của phường Tiền Phong, trước đây có thời gian tham gia quân đội, đến năm 1959 thì xuất ngũ về địa phương sinh sống và làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tiền Phong. Năm 1961 ông Phồn được vào Ðảng nhưng đến năm 1974 thì bị khai trừ ra khỏi Ðảng vì thiếu tinh thần trách nhiệm để quần chúng trong bộ phận tham ô, ý thức tổ chức kỷ luật kém và có quan hệ nam nữ bất chính. Từ năm 1975 đến nay, ông Phồn cư trú tại phường Tiền Phong.
Vào trung tuần tháng 5-2008, ông Phồn liên tục đi xe đạp đến các đường, ngõ trong phường Tiền Phong dùng loa pin cầm tay tuyên truyền, kích động quần chúng kéo lên trụ sở UBND phường để gây áp lực với chính quyền. Việc làm nói trên của ông Phồn đã gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh của địa phương. Ngày 15-5, UBND phường đã triệu tập ông này về trụ sở UBND phường để làm việc nhưng ông ta không đến. Sau hai lần yêu cầu nhưng ông Phồn vẫn không đến trụ sở UBND phường, và sáng 16-5 ông Phồn tiếp tục dùng loa pin đi dọc đường Trần Thủ Ðộ kích động dân ra ngăn chặn không cho cây xăng Việt Hà hoạt động. Vì thế, UBND phường Tiền Phong đã chỉ đạo lực lượng an ninh cơ sở phối hợp với lực lượng công an phường xuống đưa ông Phồn về trụ sở UBND để làm việc.
Nội dung yêu cầu của ông Phồn và một số người là đòi bồi thường mỗi sào ruộng thu hồi phải trả từ 60-70 triệu đồng; đòi trả lại diện tích và mở đường vào nghĩa trang Ðoan Túc theo đúng thiết kế cũ; đòi di chuyển cây xăng của doanh nghiệp Việt Hà; đòi trả lại đất theo Quyết định 948 của UBND tỉnh Thái Bình.
Khi triệu tập ông Phồn về UBND phường thì ông cho rằng, mình bị chính quyền địa phương bắt cho nên ông không làm việc và ở lại trụ sở UBND phường. Ngay sau đó, hàng trăm người dân nghe lời kích động đã kéo vào trụ sở UBND phường, chất vấn cán bộ phường về việc triệu tập ông Phồn, đồng thời khiêng bàn ghế, căng bạt, dùng chướng ngại vật cản trở giao thông trên đường Lý Bôn, tổ chức đốt lửa, đun nước, nấu cháo ngay tại khu vực trước cửa UBND phường; dùng loa đài gây huyên náo mất trật tự công cộng, ách tắc giao thông.
Tình hình lộn xộn nêu trên ở phường Tiền Phong kéo dài hơn hai tháng, đến những ngày cuối tháng 7-2008. Mặc dù được các cơ quan, đoàn thể vận động và UBND phường thông báo năm lần yêu cầu ông Phồn trở về gia đình, trả lại phòng làm việc cho cơ quan nhưng ông Phồn vẫn không chấp hành. Ngày 29-6, một số phần tử quá khích tụ tập bên trong trụ sở UBND phường đã có hành vi chống người thi hành công vụ, buộc các lực lượng công an phải bắt hai đối tượng. Những ngay tiếp theo, ông Phồn lại kích động nhiều người mang cờ, băng-rôn đi dọc các tuyến phố chính của thành phố, nói xấu lực lượng công an và dừng lại gây rối trước cửa trụ sở UBND tỉnh.
Xét thấy hành vi vi phạm pháp luật của ông Phồn ngày càng nghiêm trọng, ngày 23-7, Cơ quan Cảnh sát Ðiều tra của Công an TP Thái Bình đã bắt tạm giam đối với ông Phạm Trung Phồn về hành vi gây rối trật tự công cộng. Việc bắt giữ để điều tra, xử lý ông Phồn theo quy định của pháp luật là việc làm đúng đắn và cần thiết, được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân. Từ hôm đó, tình hình trật tự của phường Tiền Phong đã trở lại bình thường.
Trong suốt thời gian mất ổn định ở phường Tiền Phong, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh và TP Thái Bình đã tích cực chỉ đạo thanh tra, làm rõ những sai phạm của một số cán bộ thoái hóa, biến chất trên địa bàn. Ðồng thời tỉnh và thành phố cùng tập trung giải quyết những quyền lợi chính đáng của nhân dân trong phường Tiền Phong như đầu tư kinh phí xây dựng trường học, đường sá; sửa chữa chùa Ðoan Túc; xây dựng nghĩa trang nhân dân; quyết định di dời cây xăng Việt Hà; chỉ đạo Thanh tra tỉnh sớm tổ chức thanh tra khu đất 5.000 m2 và việc sử dụng đất của các doanh nghiệp trên địa bàn phường Tiền Phong. Ðến ngày 26-7, đã có hơn 600 hộ dân đã nhận tiền đền bù theo Quyết định 948 với số tiền hơn sáu tỷ đồng.