Giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân

Là luật sư và có nhiều năm làm việc trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan nội chính của Ðảng, tôi nhận thấy Dự thảo Văn kiện trình Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII đã đánh giá khách quan, toàn diện về việc thực thi pháp luật: “Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe”.

Theo tôi, đánh giá của Trung ương là rất xác đáng. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh việc chấp hành pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Qua công việc thực tế, hằng ngày tiếp xúc với người dân đi khiếu nại, tố cáo, tôi thấy rằng không thể hài lòng với cung cách làm việc của một số cán bộ tại nhiều cơ quan nhà nước. Nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm do cán bộ thực thi công vụ chây ỳ, đùn đẩy, gây khó dễ, không làm hết trách nhiệm hoặc do năng lực cán bộ yếu, nhận thức pháp luật không đầy đủ. Phổ biến nhất là tình trạng “đẩy bóng trách nhiệm”. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, công chức, người thực thi công vụ có dấu hiệu “nhờn” pháp luật vì cơ quan không thể sa thải, đuổi việc nếu như họ không làm hết trách nhiệm.

Ðể thúc  đẩy việc giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong thời gian tới, tôi đề nghị cần phân định rõ trách nhiệm cá nhân đối với từng vụ việc, tránh đùn đẩy trách nhiệm. Chính phủ cần tiến hành một đợt tổng thanh tra, rà soát đơn, thư tồn đọng, kéo dài, trừ những đơn thư mới phát sinh trong vòng ba tháng trước thời điểm thanh tra, rà soát. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần chỉ đạo quyết liệt giải quyết dứt điểm từng vụ việc, không ngại đụng chạm, không bỏ lọt sai phạm, kể cả sai phạm diễn ra nhiều năm trước. Một vấn đề khác là phải cải tiến quy trình tiếp nhận, giải quyết đơn thư của dân theo hướng công khai, minh bạch, sử dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời thông tin về tiến độ giải quyết đơn, thư để nhân dân biết và theo dõi. Cần coi việc giải quyết đơn, thư của dân là một chỉ tiêu đánh giá mức độ liêm chính, mức độ tuân thủ pháp luật của địa phương, cơ quan, đơn vị, gắn với thực hiện trách nhiệm người đứng đầu.

Xã hội càng phát triển, càng phải quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Bởi đó là hoạt động thiết thực nhằm tôn trọng và bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân, xây dựng một xã hội kỷ cương, tuân thủ pháp luật.

Luật sư NGUYỄN ÐỨC LẬP

(Công ty Luật TNHH Vũ Dũng và Cộng sự TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)