Giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho lao động tại các doanh nghiệp phá sản

NDO -

Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội với người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động phá sản còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội.

Ảnh minh họa: Internet.
Ảnh minh họa: Internet.

Thời gian qua, một số đơn vị sử dụng lao động phá sản không đóng đủ tiền đóng bảo hiểm xã hội. Điều này dẫn đến quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động không được giải quyết kịp thời.

Để bảo đảm quyền lợi bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn số 2802/BHXH-CSXH gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn về việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động phá sản còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội.

Theo đó, để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động tại các đơn vị chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thống nhất thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động đã đủ các điều kiện. Trong đó, bao gồm cả điều kiện về thời gian đã thực đóng vào quỹ Bảo hiểm xã hội (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội) tại các đơn vị bị phá sản còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, về chế độ thai sản đối với trường hợp sinh con, nhận nuôi con nuôi, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ ốm đau, thai sản (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội) mà đủ 6 tháng trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hoặc 3 tháng trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nếu bảo đảm căn cứ để xác định người lao động chưa hưởng chế độ thì cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết trợ cấp thai sản theo quy định tại thời điểm người lao động sinh con, nhận nuôi con nuôi.

Khi thời gian tham gia bảo hiểm xã hội được đóng bổ sung và làm thay đổi mức trợ cấp, thì điều chỉnh lại mức hưởng theo quy định của chính sách (tại thời điểm người lao động đủ điều kiện hưởng) để chi trả bổ sung.

Về chế độ hưu trí, cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết hưởng lương hưu đối với người lao động đủ điều kiện về tuổi và thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội) theo quy định của chính sách tại thời điểm hưởng lương hưu...

Cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người hưởng thuộc một trong các trường hợp: Ra nước ngoài để định cư; Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế: Giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội).

Khi thời gian tham gia bảo hiểm xã hội được đóng đủ và người lao động có yêu cầu, sẽ giải quyết hưởng bổ sung bảo hiểm xã hội một lần theo quy định.

Về chế độ tử tuất, cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết trợ cấp mai táng đối với thân nhân khi người lao động có từ đủ 12 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hoặc có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 80 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Trong đó, thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội.

Giải quyết hưởng trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân khi người lao động có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội) theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 67 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, có thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà không lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần...

Giải quyết hưởng trợ cấp tuất một lần đối với thời gian người lao động thực đóng bảo hiểm xã hội (không bao gồm thời gian nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc) theo các quy định cụ thể.

Đồng thời, để bảo đảm quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội lâu dài cho người lao động, chưa giải quyết hưởng trợ cấp tuất đối với người lao động có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên (tính cả thời gian còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội), có thân nhân đủ điều kiện và đề nghị hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

Triển khai thực hiện văn bản góp phần bảo đảm quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động phá sản không đóng đủ tiền đóng bảo hiểm xã hội.

Các trường hợp vướng mắc khác về thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động ở các đơn vị phá sản, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền để xử lý.