Giải pháp trọng tâm tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 18,26 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó khoảng 1,83 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 1,42% mục tiêu đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (ngày 23/5/2018); và 14,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế cho người lao động tự do. (Ảnh TRUNG TÂM)
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế cho người lao động tự do. (Ảnh TRUNG TÂM)

Trong những năm qua, diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục tăng, đặc biệt, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng phát triển bền vững.

Đến nay, đã có hơn 93,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 93,35% dân số, vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ và là chỉ tiêu kinh tế-xã hội vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

Triển khai các giải pháp trọng tâm trong năm 2024

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2024 được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đóng góp nhiều kết quả quan trọng trong việc triển khai chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Đây là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội năm 2023, góp phần đổi mới cách tiếp cận chính sách xã hội như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu kết luận tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII: “từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội”; khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Dự báo trong năm 2024, nền kinh tế-xã hội sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Để tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, với phương châm hành động của toàn ngành “Đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiệu quả, đổi mới, phát triển, lập thành tích xuất sắc hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tập trung triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm, bao gồm:

Cần bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các mục tiêu, kế hoạch trong Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai trong toàn ngành.

Nắm bắt, đánh giá các vướng mắc trong thực tiễn triển khai, từ đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp. Tập trung đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Đồng thời, Phó Thủ tướng nêu rõ những yêu cầu đặt ra là khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả.

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm...

Quản lý cơ chế tài chính các quỹ bảo đảm đúng quy định an toàn, bền vững và hiệu quả. Tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Các giải pháp trọng tâm nêu trên cũng chính là nội dung để triển khai các nhiệm vụ và giải pháp được đề ra trong Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt theo Quyết định số 38/QĐ-TTg, nhằm phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động và nhân dân.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi (năm 2030, các chỉ tiêu này lần lượt đạt khoảng 60% và 5%); có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội (năm 2023: 60%); khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (năm 2030: 45%); trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế (năm 2030: trên 97%).

Đến năm 2025, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90% (năm 2030: 95%); chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội trên 85% (năm 2030: 90%); số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị trên 68% (năm 2030: 75%).

Về lĩnh vực chuyển đổi số, đến năm 2025, phấn đấu đạt: 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 95% hồ sơ công việc của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); 100% người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có tài khoản giao dịch điện tử, đã cài đặt ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số có thể theo dõi quá trình đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tra cứu thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế đã được cấp căn cước công dân có thể sử dụng thay thế thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh.