Trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc là 15,95 triệu người, tăng 1,49% so với cùng kỳ năm 2023; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,45 triệu người, tăng 3,65% so với cùng kỳ năm 2023. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,614 triệu người, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2023…
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các địa phương đánh giá năm nội dung quan trọng toàn ngành đã triển khai tích cực trong thời gian qua, cũng như những đề xuất, kiến nghị để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm 2024.
Tín hiệu tích cực trong công tác phát triển đối tượng
Tại hội nghị, Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết, trong năm tháng đầu năm 2024, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã có những tín hiệu tích cực. Hiện nhiều giải pháp được bảo hiểm xã hội các địa phương triển khai đồng bộ, cơ bản đáp ứng các yêu cầu đặt ra; bám sát thực tiễn, linh hoạt, sáng tạo.
Tuy nhiên, các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2024 còn rất lớn, do đó, ông Dương Văn Hào đề nghị, bảo hiểm xã hội các địa phương cần tích cực tạo lập nguồn thông tin tiềm năng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên cơ sở nguồn dữ liệu hiện có của cơ quan Bảo hiểm xã hội và dữ liệu của các cơ quan ở địa phương; xây dựng nguồn thông tin về tiềm năng tham gia tương ứng với từng thôn/tổ dân phố và phải thường xuyên cập nhật, làm mới dữ liệu; bên cạnh đó, bám sát các doanh nghiệp lớn để thường xuyên nắm bắt tình hình biến động tham gia cũng như dự báo nhu cầu sử dụng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội...
Đến nay, các địa phương đã cơ bản kiện toàn Ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tuy nhiên theo ông Dương Văn Hào, cơ cấu, thành phần tham gia ban chỉ đạo chưa thật sự hợp lý, vì vậy, cần nêu cao vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ở địa phương, nhất là cấp xã, thôn, bản. Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp ba bên, nhất là sự liên hệ giữa Ban chỉ đạo và các tổ chức dịch vụ thu, tăng số lượng nhân viên, cộng tác viên thu, nhất là nhóm tổ/thôn trưởng và cán bộ các hội, đoàn thể...
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương Lê Minh Lý cho biết, đã tham mưu kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cấp tỉnh, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban. Các cấp huyện, xã cũng đã kiện toàn và phân công cụ thể với từng thành viên Ban chỉ đạo.
Ban chỉ đạo các huyện cũng có công văn chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo và tham gia, đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; giao Ban chỉ đạo cấp xã tham gia giám sát tình hình thực hiện cụ thể ở từng địa bàn. Hiện Bình Dương đang tập trung vào các nhóm tiềm năng, bao gồm: hộ kinh doanh tự do, tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ; lái xe máy/ô-tô sử dụng ứng dụng công nghệ; thân nhân của người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Lò Quân Hiệp cho biết, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn có chuyển biến tích cực; nhu cầu tuyển dụng lao động mới là khoảng 77 nghìn lao động. Tuy nhiên, còn không ít khó khăn khi nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; bên cạnh đó, việc tuyển dụng lao động mới của các đơn vị cũng gặp hạn chế.
Trong bối cảnh đó, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tăng cường công tác phát triển người tham gia, tăng thu, giảm số chậm đóng. “Rút kinh nghiệm năm 2023, kịch bản thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2024 đã được xây dựng hiệu quả hơn; bảo đảm phù hợp, sát thực tế ở từng địa bàn; đồng thời, chúng tôi đang tập trung khai thác nguồn dữ liệu thuế, qua đó, rà soát và thực hiện theo quy trình thu, trên cơ sở phân nhóm từng loại đơn vị để có biện pháp hiệu quả, bảo đảm tăng số người tham gia trong các tháng tới”, ông Lò Quân Hiệp cho biết.
Tăng cường phối hợp 3+
Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao kết quả toàn ngành đạt được trong công tác thu, phát triển người tham gia năm tháng đầu năm 2024. Đặc biệt, trong tháng 5 - Tháng Bảo hiểm xã hội toàn dân đã có sự chuyển biến rõ, tăng cao so với tháng 4 và cùng kỳ năm 2023 cả về số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế. “Thực tế cho thấy, trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế việc phối hợp tốt sẽ có kết quả tốt, một mình cơ quan Bảo hiểm xã hội thì khó có thể làm được. Các tổ chức dịch vụ thu cũng thế, cần có đội ngũ cộng tác viên rộng khắp mới đạt hiệu quả», ông Nguyễn Thế Mạnh khẳng định,
Thời gian tới, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu, bảo hiểm xã hội các địa phương tiếp tục bám sát chỉ đạo của ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai nhiệm vụ thu, phát triển người tham gia; đồng thời, bám sát tình hình thực tế trên địa bàn để đưa ra các giải pháp phù hợp từ sớm, từ xa; trong đó, cần làm tốt cơ sở dữ liệu về đối tượng tiềm năng để cùng hệ thống tổ chức dịch vụ thu hướng tới.
Trên cơ sở đó, phát huy hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là cấp xã; tăng cường phối hợp ba bên, trong đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội là hạt nhân kết nối cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức dịch vụ thu; cùng hướng tới mục tiêu mở rộng đội ngũ nhân viên, cộng tác viên thu là tổ/thôn trưởng, người có uy tín trong cộng đồng, cho nên có thể gọi là phối hợp 3+.