Giải pháp phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi ở Cao Bằng

Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện nhiều giải pháp như: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học; quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học..., mang lại nhiều kết quả rõ rệt.

Giờ học ứng dụng công nghệ thông tin ở Trường mầm non 3-10 (Cao Bằng). Ảnh: QUỲNH TRANG
Giờ học ứng dụng công nghệ thông tin ở Trường mầm non 3-10 (Cao Bằng). Ảnh: QUỲNH TRANG

Từ TP Cao Bằng, vượt quãng đường hơn 40 km, chúng tôi đến điểm trường Nặm Cáp thuộc Trường mầm non xã Minh Khai (huyện Thạch An). Thôn Nặm Cáp vẫn chưa có điện lưới, toàn bộ hộ dân thuộc diện hộ nghèo. Vì vậy, việc học tập của học sinh và sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Cách đây hai năm, đường vào Nặm Cáp chưa được mở rộng như bây giờ, giáo viên đến dạy học những ngày mưa phải quấn xích vào bánh xe mới có thể vượt qua những đoạn đường trơn trượt. Tại điểm trường Nặm Cáp, cô giáo Nông Thị Hảo, chủ nhiệm lớp mẫu giáo tâm sự: Điểm trường là lớp ghép có 17 học sinh ở các độ tuổi khác nhau (từ ba đến năm tuổi). Do số lượng học sinh ít, cho nên không bố trí được giáo viên dạy các cháu ở các độ tuổi khác nhau. Năm nào cũng vậy, những trẻ ba tuổi lần đầu đến trường đều tỏ ra sợ hãi, nhiều cháu thường xuyên quấy khóc, trong khi các anh chị lớn hơn đang học các chủ đề khác nhau, khiến cô giáo khá vất vả. Những ngày đầu, giáo viên đã nhờ phụ huynh ở lại khoảng một giờ, khi con bớt sợ, bớt khóc mới về. Vì điểm trường chưa tổ chức được bếp ăn bán trú, một số cháu nhà xa thường mang theo cơm nắm ăn trưa để buổi chiều học tiếp.

Theo cô giáo Chè Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Minh Khai, để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trẻ năm tuổi, nhà trường đã yêu cầu giáo viên thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy trẻ làm trung tâm. Về cơ bản, trẻ năm tuổi đã đáp ứng chương trình mầm non, nhận thức tốt về chữ cái và có thể đếm đến số 100… Nếu như ở dưới xuôi, một lớp có hai hoặc ba cô, thì ở đây, mỗi lớp ở điểm trường lẻ bình quân chỉ có một cô giáo. Không chỉ điểm trường mà trường chính cũng chưa tổ chức được bếp ăn bán trú vì năm ngày mới có một phiên chợ. Do đặc thù điều kiện người dân sinh sống xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, cho nên khi quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học, các điểm trường lẻ vẫn tiếp tục được duy trì. Nếu xóa bỏ điểm trường lẻ, các cháu đến trường vất vả hơn, nguy cơ bỏ học cao. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi luôn được chú trọng. Những giáo viên được phân công dạy lớp năm tuổi đều trên chuẩn (có trình độ từ cao đẳng trở lên). Học sinh thuộc hộ nghèo được hưởng chế độ ăn trưa, hỗ trợ chi phí học tập. Toàn xã có 122 cháu (từ ba đến năm tuổi), trong đó 118 cháu ra lớp, riêng trẻ 5 tuổi có 100% số cháu ra lớp.

Rời xã Minh Khai, chúng tôi đến điểm trường Pò Điểm thuộc Trường mầm non xã Đức Thông (huyện Thạch An). Điểm trường được đầu tư xây dựng khang trang, gồm ba phòng học, một phòng bếp, có đồ chơi ngoài trời. Cô giáo Giang Thị Ngọc Hà, điểm trường Pò Điểm cho biết: Bên cạnh các đồ dùng, đồ chơi được đầu tư, giáo viên còn thường xuyên làm các đồ dùng, đồ chơi cho học sinh từ những nguyên liệu có sẵn như: Tre, nứa, bìa cát-tông, vỏ lon bia…, qua đó các giờ học trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Theo cô giáo Hà Thị Vui, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Đức Thông, trước đây, do còn thiếu nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học và đồ chơi, trẻ không hứng thú học tập, kết quả thấp. Từ khi thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi được đầu tư, mua sắm, chất lượng giáo dục đã tăng lên đáng kể, các cháu thích đến trường hơn, bảo đảm tốt các năng lực, kỹ năng trước khi vào lớp 1. Dự kiến năm học 2017-2018, trường sẽ tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh.

Đề cập công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, thầy giáo Lương Ngọc Ánh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD và ĐT) Cao Bằng khẳng định: Bằng sự nỗ lực, quyết tâm từ nhiều phía, đến nay Cao Bằng có 192 trường mầm non, tăng gần 100 trường so với thời điểm chưa phổ cập. Để đáp ứng chương trình giáo dục mầm non, Sở đã chỉ đạo Trường cao đẳng sư phạm Cao Bằng thường xuyên mở lớp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Vì vậy, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn dạy lớp năm tuổi đạt 79%. Đáng chú ý, khi thực hiện phổ cập, tỷ lệ trẻ ra lớp so với yêu cầu đặt ra vượt 16%; riêng trẻ năm tuổi ra lớp đạt hơn 99%. Thực hiện việc quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học bậc mầm non, dự kiến từ 192 trường sẽ dồn lại còn 189 trường; một số điểm lẻ, giao thông thuận tiện sẽ dồn lại để các cháu được học tập, chăm sóc tốt hơn.

Cao Bằng hiện còn 18 xã chưa thành lập được trường mầm non, nhưng các xã này đều có lớp mầm non nằm trong trường tiểu học hoặc THCS (Trường liên cấp). Đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng có 765 trong tổng số 771 phòng học lớp năm tuổi được xây dựng theo hướng kiên cố, bán kiên cố; tỷ lệ trẻ năm tuổi học hai buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non đạt 100%.

Nguồn: Sở GD và ĐT Cao Bằng