Giải pháp nào để xuất khẩu bền vững vào các thị trường FTA?

NDO - Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã có nhiều thay đổi tích cực khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có hiệu lực. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều quốc gia không ngừng cập nhật, thay đổi chính sách, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững, doanh nghiệp cần có giải pháp để duy trì kim ngạch xuất khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Doveco đã xây dựng chuỗi cung ứng để xuất khẩu bền vững vào EU.
Doveco đã xây dựng chuỗi cung ứng để xuất khẩu bền vững vào EU.

Những kết quả khả quan

Là một trong những doanh nghiệp tận dụng khá tốt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cho biết, DOVECO đã có đơn hàng chanh leo xuất khẩu sang EU ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. DOVECO hiện đang bận rộn thực hiện các đơn hàng xuất khẩu lớn đi EU.

Sở dĩ DOVECO xác định EU là thị trường truyền thống là do dư lượng nhập khẩu của EU rất lớn. Thế giới có 8 tỷ dân thì EU chỉ có khoảng 500 triệu dân nhưng nhu cầu nhập khẩu của thị trường này chiếm khoảng 45% ở mặt hàng rau quả.

Bên cạnh đó, các nước EU nói riêng và các nước châu Âu nói chung không trồng được các loại rau quả nhiệt đới như: dứa, chuối, chanh leo… Một điều nữa là họ thanh toán sòng phẳng và nghiêm túc. Đây là một điều rất thuận lợi cho các doanh nghiệp.

“Đặc biệt, sau khi có Hiệp định EVFTA, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam đã tốt hơn nhiều. Bên cạnh đó, về cơ cấu hàng hóa, Việt Nam chỉ phải cạnh cạnh tranh với các nước vùng Nam Mỹ, Nam Mỹ, Peru, Equador là những nước có cơ cấu sản phẩm xuất khẩu khá tương đồng với Việt Nam”, ông Đinh Cao Khuê nói.

DOVECO là một trong những doanh nghiệp đã tận dụng rất tốt FTA để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, sau hơn 2 năm thực thi EVFTA, xuất khẩu của nước ta sang EU ghi nhận kết quả khả quan. Theo đó, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam-EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng rất mạnh, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch. Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên. Số liệu thống kê cho thấy, 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 52,5 tỷ USD, tăng 14% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD, tăng 23,5%.

Không chỉ EVFTA mà các FTA khác cũng được Việt Nam tận dụng tương đối hiệu quả. Là một trong những ngành hàng tận dụng tốt lợi thế từ các FTA, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, theo cơ cấu của thị trường xuất khẩu thủy sản thì Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 3 toàn cầu sau Na Uy, Trung Quốc. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam là vào Hoa Kỳ, sau đó là Trung Quốc và cuối cùng Hàn Quốc. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chiếm gần 27%. Cập nhật đến thời điểm cuối tháng 10/2022, xuất khẩu vào thị trường này đã đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng 14% so với 2018 (thời điểm trước khi ký Hiệp định CPTPP) và tăng khoảng 40% so cùng kỳ.

Với ngành gỗ, theo ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sài gòn SADACO, trong điều kiện nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức, các FTA vẫn mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. 3 năm qua, các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ nhờ có CPTPP đã trưởng thành, hội nhập kinh tế toàn cầu. Hiệp định này đã giúp các doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và từng doanh nghiệp đều hòa cùng nhịp thở của doanh nghiệp thế giới. Nhờ đó, đến nay sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có thương hiệu tại các thị trường lớn, thị trường mới nổi.

Giải pháp nào để xuất khẩu bền vững vào các thị trường FTA? ảnh 1

Thủy sản là mặt hàng tận dụng khá tốt các FTA.

Bắt kịp xu thế của thị trường

Tiềm năng của thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam rất lớn song cũng có không ít hạn chế tồn tại và những thách thức đặt ra từ cả năng lực nội tại đến bối cảnh thị trường. Đặc biệt khi tình hình quốc tế dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái, lạm phát cao, vấn đề an ninh năng lượng và lương thực ngày càng cấp thiết.

Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham, khuyến nghị, muốn tăng trưởng xuất khẩu, doanh nghiệp phải chú trọng phát triển sản xuất xanh và bền vững. Cụ thể tại EU, một điểm quan trọng là người tiêu dùng EU cần thấy được sự sẵn sàng của các nhà sản xuất Việt Nam thay đổi trong phát triển bền vững. EU cũng là thị trường không ngừng cập nhật chính sách hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa vào EU, cần thay đổi, đặc biệt chú ý hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. “Ngoài ra, để tận dụng hiệu quả EVFTA mang lại, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần xây dựng thương hiệu riêng cho mình, hạn chế xuất khẩu thô, nâng cao năng lực chế biến”, ông Jean Jacques Bouflet nhấn mạnh.

Trước những thách thức trên, các nhà quản lý, doanh nghiệp, ngành hàng khẳng định đã và đang có những bước đi thích ứng. Đơn cử với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) thông tin: Để bảo đảm thực hiện mục tiêu xuất khẩu bền vững, gỗ là ngành có sự chuẩn bị dài cho các quy định về môi trường. Từ năm 2013 khi EU ban hành quy định về thực thi lâm luật của EU (VPA/FLEGT), Việt Nam có thời gian 6 năm để thương lượng việc thực thi này. Hiện nay, ngành gỗ có khoảng 14 triệu ha rừng, trong đó có 4 triệu ha rừng sản xuất. Nếu quy hoạch tốt, chúng ta có thể bảo đảm 60% nguyên liệu, phần thiếu hụt có thể bù đắp từ Mỹ, Chile. Do đó, các doanh nghiệp không chỉ bảo đảm tiêu chí môi trường trong nước mà cả trên toàn cầu.

Tương tự với ngành cà-phê, ông Lý Trung Kiên, Trưởng bộ phận Logistics toàn quốc, Công ty Nestle Việt Nam chia sẻ, đơn vị đã xây dựng chuỗi giá trị cà-phê bền vững thông qua việc phát triển nguồn nguyên liệu cà-phê bền vững. Điển hình như Chương trình Nescafé Plan. Đây là một chương trình “Tạo giá trị chung” nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của cà-phê Việt Nam thông qua canh tác bền vững, nâng cao thu nhập của người nông dân và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Từ thực tế doanh nghiệp, ông Đinh Cao Khuê cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư vào sản xuất lớn để có thể áp dụng được các biện pháp khoa học kỹ thuật, từ phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc và đặc biệt là tăng năng suất lao động, giảm giá thành để tăng cạnh tranh.

Một vấn đề nữa là phải hình thành chuỗi liên kết từ bà con nông dân, các hợp tác xã đến các thương lái để bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm.

Ông Đinh Cao Khuê khẳng định, các FTA mang lại cho Việt Nam cơ hội thị trường tốt và bền vững. Tuy nhiên, trước mắt cũng có những ảnh hưởng nhất định, thí dụ như là xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng chung đến kinh tế toàn cầu và lạm phát. Đây là những yếu tố khách quan mà chúng ta không thể hạn chế được.

“Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp, nếu chúng ta làm “chuẩn bài”, từ khâu làm nguyên liệu đến vận tải, đặc biệt là tập huấn cho những người lao động. Bên cạnh đó, cần gắn bó, đoàn kết và cùng hợp tác với nhau để làm sao bảo đảm được lợi ích, từ người lao động đến nhà sản xuất và người tiêu dùng thì tôi nghĩ sẽ bền vững”, ông Đinh Cao Khuê nói.