Giải pháp khắc phục thiếu đất san lấp dự án giao thông

Theo tính toán từ năm 2023 đến 2025, các dự án giao thông triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cần hơn 21 triệu m3 vật liệu san lấp, nhưng nguồn cung đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, hai dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi công từ ngày 18/6, đang có nguy cơ thiếu đến khoảng 4 triệu m3 đất san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ.
0:00 / 0:00
0:00
Một mỏ khai thác đất nền phục vụ dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây.
Một mỏ khai thác đất nền phục vụ dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 34km, từ thành phố Biên Hòa đến huyện Long Thành. Trong khi đó, dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn Đồng Nai có chiều dài hơn 11km thuộc huyện Nhơn Trạch. Để phục vụ thi công hai dự án giao thông này, theo ước tính sẽ cần khoảng 6,5 triệu m3 đất đắp nền, trong đó, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu cần 5,7 triệu m3 và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 0,85 triệu m3.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai Nguyễn Bôn cho biết: Để đáp ứng nhu cầu về đất san lấp cho hai tuyến cao tốc trên, các ngành chức năng liên quan và chủ đầu tư đã tiến hành khảo sát các mỏ vật liệu đất đắp phục vụ thi công. Kết quả, chỉ có hai mỏ đất đắp thương mại đang khai thác là mỏ Tân Cang 7 và mỏ Núi Nứa với tổng trữ lượng còn lại khoảng 1,7 triệu m3 có thể sử dụng được. Như vậy, chỉ hai dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh qua địa bàn Đồng Nai còn thiếu hơn bốn triệu m3 đất đắp nền.

Nhằm tìm giải pháp khắc phục tình trạng thiếu đất san lấp dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Ban Quản lý dự án 85, đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 2, Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1 đã có văn bản đề xuất với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1), cho phép nghiên cứu, đánh giá chất lượng, phân loại và tận dụng nguồn đất đào dư thừa tại dự án sân bay Long Thành để sử dụng làm vật liệu đất đắp cho đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1.

Sau khi tiếp nhận đề xuất trên, Ban Quản lý dự án sân bay Long Thành cho biết: Dự án sân bay Long Thành được xây dựng trên tổng diện tích 5.000ha, với khối lượng đất đào đắp khoảng 115 triệu m3 đất. Quá trình lập dự án, đơn vị liên quan đã tính toán sơ bộ và đánh giá nguồn vật liệu đắp san nền giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành cơ bản đủ. Hiện nay, việc san nền tại dự án được lấy đất từ chỗ cao đắp vào chỗ thấp. Giai đoạn 2 của dự án dự kiến triển khai sau năm 2030, nguồn đất dự trữ tận dụng điều phối, hạ cốt nền trên phạm vi công trường sân bay Long Thành cũng chỉ đủ dùng, thậm chí còn thiếu 1-2 triệu m3.

Đồng Nai hiện được xem như đại công trường các dự án giao thông của cả nước với sân bay Long Thành và một loạt các dự án đường cao tốc đang triển khai. Ngoài ra, các tuyến đường tỉnh lộ cũng được địa phương chuẩn bị thực hiện. Theo tính toán, từ năm 2023 đến 2025, tỉnh Đồng Nai có nhu cầu đất san lấp để phục vụ tám dự án giao thông trọng điểm quốc gia và của địa phương hơn 21 triệu m3. Trong đó, bốn dự án cao tốc nhu cầu về nguồn đất san lấp là hơn 15 triệu m3; bốn dự án đường tỉnh lộ, ước tính cần khoảng sáu triệu m3 đất san lấp.

Để chuẩn bị nguồn đất san lấp phục vụ các dự án trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định quy hoạch và khoanh định 95 khu vực với diện tích hơn 500ha không đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu san lấp trên địa bàn thành phố Long Khánh và bảy huyện, gồm: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất, Trảng Bom, Tân Phú, Long Thành, Nhơn Trạch. Tuy nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp lại rất khó khăn, vì thủ tục cấp phép phức tạp, nhiều vướng mắc trong hồ sơ để khai thác được các mỏ đất. Đơn cử, theo quy định Luật Khoáng sản năm 2010, đất làm vật liệu san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nên việc cấp phép phải tuân thủ theo quy định của Luật Khoáng sản.

Đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp, các mỏ có diện tích, trữ lượng nhỏ, thời gian thực hiện thường dưới 5 năm, giá trị về mặt kinh tế thấp nhưng các thủ tục cấp phép phải thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản. Điều này, khiến các tổ chức, cá nhân ít đầu tư các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp. Mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã ký Văn bản 4866/UBND-KTN kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung thi hành Luật Khoáng sản theo hướng đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp phục vụ các công trình trọng điểm và cụ thể hóa các hướng dẫn để địa phương làm cơ sở thực hiện.

Ngoài ra, để bảo đảm nhà thầu nộp đúng, đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác đúng trữ lượng, diện tích, độ sâu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần hướng dẫn thẩm định, xác định trữ lượng nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án. Đối với vấn đề thu hồi đất để thực hiện khai thác mỏ vật liệu xây dựng, một cán bộ nhiều năm làm ở lĩnh vực quản lý khoáng sản của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai chia sẻ, thực tế người dân chỉ đồng ý cho nhà thầu lấy lớp đất sỏi không có chất màu mỡ, năng suất cây trồng thấp.

Tuy nhiên, để lấy được lớp đất này, hiện nay theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chuyển mục đích sử dụng đất để khai thác từ một đến hai năm, sau đó, thu hồi giao về địa phương quản lý trở thành đất công thổ. Điều này, khiến người dân không đồng ý, nên trong thực tế nhà thầu rất khó thỏa thuận với người dân để có đất làm vật liệu san lấp.

Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận giải pháp nhà thầu tự thỏa thuận với người dân để góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào khai thác khoáng sản.

Sau khi khai thác khối lượng vật liệu san lấp đủ cho dự án, nhà thầu có trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường phần diện tích sau khai thác giao lại cho người dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiếp tục quản lý, sử dụng. Về lâu dài, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung tiêu chuẩn sử dụng các vật liệu, như cát biển, tro xỉ thay thế đất san lấp các công trình giao thông và xây dựng dân dụng, công nghiệp để khắc phục tình trạng thiếu vật liệu san lấp các dự án.