Dồn sức gỡ thẻ vàng IUU

Giải pháp bền vững cho nghề khai thác hải sản

Cùng với những biện pháp quyết liệt nhằm sớm gỡ “thẻ vàng” trong khai thác IUU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cũng triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm tái cơ cấu nghề cá như giảm tàu đánh bắt hải sản, chuyển một phần ngư dân sang nghề nuôi trồng hải sản nhằm đưa nghề cá nước ta phát triển bền vững và ổn định...
0:00 / 0:00
0:00
Nuôi cá lồng bè ở xã đảo Thổ Châu, thành phố Phú Quốc. (Ảnh: QUỐC TRINH)
Nuôi cá lồng bè ở xã đảo Thổ Châu, thành phố Phú Quốc. (Ảnh: QUỐC TRINH)

Đẩy mạnh nghề nuôi biển

Là tỉnh có số lượng tàu cá lớn nhất nước, với diện tích ngư trường hơn 63.200 km2, Kiên Giang đã đẩy mạnh đề án nuôi biển và tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sinh kế cho ngư dân. Theo Sở NN và PTNT, phạm vi nuôi biển trên địa bàn tỉnh phân chia thành 2 vùng: vùng hải đảo, gồm huyện Kiên Hải, thành phố Phú Quốc, xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên và các xã đảo Sơn Hải, Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, bố trí nuôi cá biển chủ yếu theo hình thức lồng bè, với các đối tượng cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng...; Vùng ven biển, gồm các xã, phường ven biển thuộc các huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất và Kiên Lương, bố trí nuôi nhuyễn thể, thả giống ngoài bãi triều và nuôi kết hợp trong vuông tôm, dưới tán rừng phòng hộ...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh cho biết, để khai thác tiềm năng, thế mạnh về nuôi biển, tỉnh tập trung chỉ đạo lập quy hoạch, xây dựng các dự án nuôi trồng thủy sản ven biển, quanh các đảo, vùng ven bờ, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tập trung các nguồn lực, thúc đẩy phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, bảo đảm môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch, bảo đảm quốc phòng-an ninh, góp phần phát triển kinh tế biển của tỉnh.

Để khai thác tiềm năng, thế mạnh về nuôi biển, tỉnh tập trung chỉ đạo lập quy hoạch, xây dựng các dự án nuôi trồng thủy sản ven biển, quanh các đảo, vùng ven bờ, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh

UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt đề án phát triển nuôi biển theo định hướng bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2025 có 7.500 lồng nuôi biển; trong đó, nuôi cá lồng truyền thống 4.700 lồng, nuôi cá lồng công nghệ cao 1.900 lồng, nuôi thủy sản khác 900 lồng; sản lượng nuôi lồng bè 29.870 tấn; thu hút lao động vào lĩnh vực nuôi biển 18.510 người. Đến năm 2030, số lượng lồng nuôi biển đạt 14.000 lồng, trong đó nuôi cá lồng truyền thống 5.300 lồng, nuôi cá lồng công nghệ cao 6.600 lồng, nuôi thủy sản khác 2.100 lồng; sản lượng nuôi lồng bè 105.720 tấn; thu hút 47.680 lao động.

Để đạt mục tiêu đặt ra, tỉnh Kiên Giang tổ chức giao khu vực biển, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho các tổ chức, cá nhân theo Luật Thủy sản và các quy định có liên quan để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nuôi biển. Cạnh đó, Kiên Giang ban hành chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, nhất là chính sách hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vốn, khoa học-công nghệ vào lĩnh vực nuôi biển; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn về quản lý và kỹ thuật cho lao động; thực hiện các chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực nuôi biển về làm việc trong các khu nuôi tập trung…

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, theo các ngư dân của huyện Long Điền, những năm gần đây việc khai thác hải sản của người dân gặp nhiều khó khăn vì ngư trường cạn kiệt, giá nhiên liệu tăng cao, nhiều chủ ghe phải bán ghe giá rẻ hoặc phải cho tàu nằm bờ. Dù vậy, phần lớn ngư dân vẫn đồng hành và thực hiện đúng quy định không đánh bắt hải sản bất hợp pháp. “Biển có khó khăn, mùa vụ thất bát nhưng chúng tôi sẵn sàng chấp hành vì cái chung”, ngư dân Nguyễn Minh Thương nói.

Ngư dân này cũng đề nghị Nhà nước, chính quyền cần có sự hỗ trợ thiết thực hơn, cụ thể hơn để bà con yên tâm bám biển hoặc chuyển nghề. Ngư dân Tạ Thái Sơn (huyện Long Điền) cũng khẳng định: “Chúng tôi ai cũng đồng tình, ủng hộ chống IUU vì ai cũng muốn bán được thủy sản giá cao và muốn bán giá cao thì phải xuất được sang châu Âu”. Hiện nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang xây dựng đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân đối với những trường hợp không đủ điều kiện đánh bắt hải sản, có nhu cầu muốn chuyển đổi nghề.

Theo Bộ NN và PTNT, 5 năm gần đây, những địa phương có thế mạnh trong nuôi biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa, Cà Mau, Kiên Giang... đã đẩy mạnh hoạt động nuôi biển, nhất là nuôi biển xa bờ. Chính vì vậy, sản lượng nuôi biển của nước ta năm 2023 đã có bước tiến lớn cả về diện tích lẫn sản lượng. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt 1,3 triệu héc-ta nuôi nội địa và 9,5 triệu mét khối lồng nuôi biển. Trong đó, nuôi biển tăng 5,5% (bao gồm: 4,3 triệu mét khối lồng nuôi cá biển; 5,2 triệu mét khối lồng nuôi tôm hùm và 57.000 ha nuôi nhuyễn thể).

Tổng sản lượng nuôi biển đạt gần 790.000 tấn, tăng 10,1% so với năm 2022. Không chỉ tăng về diện tích, các loại cá biển, nhuyễn thể được nuôi cũng rất đa dạng và hướng vào những loài có giá trị kinh tế cao. Trong đó, sản lượng cá biển đạt 46.000 tấn; tôm hùm 3.800 tấn; nhuyễn thể 440.000 tấn; đối tượng khác 300.000 tấn. Năm 2024, ngành thủy sản đề ra mục tiêu nuôi ổn định 1,3 triệu héc-ta, trong đó nuôi nước ngọt 380.000 ha, nuôi mặn, lợ 920.000 ha.

Giải pháp phát triển nghề cá bền vững

Theo Bộ NN và PTNT, sau 6 năm chống khai thác IUU, tại đợt thanh tra lần thứ tư vào tháng 10/2023, EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam. Đến nay nước ta đã triển khai tương đối đầy đủ các quy định tại Luật Thủy sản năm 2017 và các khuyến nghị của EC, đang từng bước tiến tới phát triển một ngành khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.

Cụ thể là số lượng tàu cá và cường lực khai thác đã giảm để phù hợp với trữ lượng nguồn lợi hải sản; đến nay đã tổng rà soát, thống kê và nắm chắc được số lượng tàu cá; cơ sở hạ tầng thông tin nghề cá từng bước được hoàn thiện, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu cá như cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), cơ sở dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; triển khai hệ thống giám sát tàu cá hoạt động trên biển, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá đạt gần 100%, được EC đánh giá rất cao. Nước ta đã có một khung pháp lý tương đối toàn diện và đầy đủ để quản lý nghề cá, chống khai thác IUU.

Việc hình thành hệ thống lực lượng kiểm ngư trong cả nước đã góp phần rất quan trọng trong việc tăng cường công tác thực thi pháp luật thủy sản, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển và tại cảng, chống khai thác IUU.

Cơ sở hạ tầng nghề cá, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc kiểm soát hoạt động tàu cá tại cảng cá và trên biển ngày càng được đầu tư bài bản, việc hình thành hệ thống lực lượng kiểm ngư trong cả nước đã góp phần rất quan trọng trong việc tăng cường công tác thực thi pháp luật thủy sản, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển và tại cảng, chống khai thác IUU, ý thức chấp hành pháp luật thủy sản của phần lớn ngư dân ngày càng được nâng cao.

Theo Cục Thủy sản (Bộ NN và PTNT), thực hiện những khuyến nghị của EC trong gỡ “thẻ vàng”, số lượng tàu cá cả nước hiện chỉ còn 83.430 chiếc, giảm 6.292 chiếc so với năm 2022. Tổng sản lượng khai thác thủy, hải sản năm 2023 cả nước ước khoảng 3,861 triệu tấn, chưa đạt chỉ tiêu đề ra giảm còn 3,68 triệu tấn. Như vậy, so với mục tiêu ngành thủy sản đề ra là cơ bản duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản, trong đó điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác thì lượng khai thác tuy có giảm nhưng vẫn ở mức ổn định cho phép và đi đúng lộ trình.

Để phát triển ngành thủy sản bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chương trình, đề án, quy hoạch quốc gia. Hiện tại các bộ, ngành, địa phương đang tập trung triển khai thực hiện và đạt những kết quả đáng khích lệ. Theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, ngành khai thác thủy, hải sản của Việt Nam sẽ có những bước tiến vượt bậc, bảo đảm ổn định sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nhằm gỡ “thẻ vàng” IUU, về lâu dài, bên cạnh việc duy trì những biện pháp hiệu quả của các lực lượng chức năng, địa phương ven biển, thì nhiệm vụ quan trọng, lâu dài là chuyển đổi ngành đánh cá, từ mang tính chất đánh bắt tự nhiên trở thành một ngành đánh cá hiện đại, bền vững, có trách nhiệm. Theo Bộ trưởng NN và PTNT Lê Minh Hoan, việc giảm cường lực khai thác, giảm đội tàu và chuyển sang phát triển nuôi trồng thủy sản sẽ giúp phát triển ngành thủy sản bền vững.

(Còn nữa)

>> Bài 1: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức ngư dân