Dồn sức gỡ thẻ vàng IUU

Sau sáu năm kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” trong khai khác hải sản và sáu tháng sau đợt thanh tra thứ tư của đoàn thanh tra EC, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và chính quyền 28 địa phương ven biển đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp quyết liệt với mục tiêu gỡ cảnh báo thẻ vàng trong khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU)...
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. (Ảnh VŨ TÂN)
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. (Ảnh VŨ TÂN)

Bài 1: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức ngư dân

Xác định giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức ngư dân là yếu tố quan trọng hàng đầu trong gỡ thẻ vàng IUU, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương ven biển nước ta, nhất là tại các tỉnh phía nam đã đồng loạt triển khai nhiều hình thức tuyên truyền đến ngư dân...

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), nhờ đa dạng hóa hình thức và đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, liên tục, nhận thức về IUU của ngư dân đã thay đổi đáng khích lệ.

Tuyên truyền kết hợp kiểm tra, giám sát

Tỉnh Bến Tre có 2.770 tàu cá đăng ký hoạt động, trong đó, tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 2.038 tàu, chiếm 73,57% tàu cá toàn tỉnh. Lao động khai thác thủy sản trực tiếp trên biển 17.735 người, đều có độ tuổi phù hợp quy định của Bộ luật Lao động, không có lao động chưa thành niên.

Trong năm qua, công tác tuyên truyền về chống khai thác IUU được các cấp, các ngành tại tỉnh quan tâm triển khai để ngư dân hiểu, hoạt động khai thác đúng quy định. Ðồn Biên phòng Hàm Luông (đóng tại thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều nội dung, hình thức phong phú và đa dạng, chú trọng tuyên truyền cho các đối tượng là chủ tàu cá, ngư dân.

Trong đó, tại Cảng cá Ba Tri (thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri) được trang bị màn hình ti-vi ngay đường vào cảng để chiếu phóng sự, video clip tuyên truyền về chống đánh bắt IUU và treo pa-nô để chủ tàu, ngư dân nắm thông tin. Ðồng thời, cán bộ biên phòng thường xuyên đến tận nhà chủ tàu, ngư dân để tuyên truyền.

Ông Trần Minh Tư, chủ 4 chiếc tàu đánh cá (ngụ thị trấn Tiệm Tôm) cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên được cán bộ đồn biên phòng nhắc nhở về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định. Từ trước đến nay gia đình tôi luôn chấp hành nghiêm các quy định và các tàu đều gắn thiết bị giám sát hành trình; hoạt động khai thác thủy sản được quản lý rất chặt chẽ, có sổ khai báo xuất, cập bến cho lực lượng biên phòng, ghi nhật ký khai thác và được lực lượng kiểm ngư theo dõi hằng giờ, hằng ngày”.

“Ðơn vị luôn đổi mới hình thức tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, trình chiếu video clip hệ lụy của khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài, treo pa-nô thông tin 14 hành vi khai thác bất hợp pháp ở những nơi ngư dân thường đến để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền.

Thiếu tá Lê Minh Trung, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Hàm Luông

Từ năm 2023 đến nay, Ðồn Biên phòng Hàm Luông đã tổ chức tuyên truyền trên đài truyền thanh huyện, xã, thị trấn biên giới biển được 236 cuộc, tuyên truyền qua công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm chứng 5.496 lượt phương tiện, 52.634 lượt người nghe. Ðồng thời, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy địa phương phân công 78 đảng viên phụ trách 81 hộ gia đình có tàu cá thuộc diện nguy cơ cao vi phạm để tuyên truyền, vận động”.

Năm 2023, Bến Tre nhận thông tin 9 tàu nghi vấn khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài. Tỉnh đã xác minh làm rõ từng trường hợp cụ thể để xử lý. Từ đầu năm 2024 đến nay, Bến Tre không có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Hiện tại, toàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát cho 2.009/2.038 tàu, đạt 98,58%, còn lại 29 tàu, trong đó có 3 tàu mất tích và 26 tàu ngưng hoạt động.

Tại các xã trọng điểm về tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, đã sàng lọc các chủ tàu có nguy cơ cao khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài, thực hiện mô hình phân công cán bộ, đảng viên thuộc các đoàn thể ở địa phương phụ trách trực tiếp (một cán bộ, đảng viên/một chủ tàu) hỗ trợ chủ tàu kiểm soát, quản lý tàu khai thác trên biển. Hiện tại có 27 xã phân công 199 cán bộ, đảng viên phụ trách trực tiếp 304 chủ tàu (386 tàu) trên địa bàn.

“Thời gian qua, các đơn vị liên quan trên địa bàn triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng chống khai thác IUU đạt hiệu quả và có chuyển biến rõ nét, tất cả vi phạm đều bị xử lý nghiêm.Tỉnh Bến Tre đã xây dựng Kế hoạch 983 chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, gồm 10 nhiệm vụ cụ thể và tập trung vào 4 nhóm khuyến nghị của Ủy ban châu Âu.

Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre

Theo kế hoạch đề ra là tất cả tàu cá đăng ký trên địa bàn tỉnh được rà soát, cập nhật hồ sơ, trong đó tàu tham gia hoạt động khai thác được cấp giấy phép khai thác thủy sản và thực hiện đăng kiểm, đánh dấu tàu. Ðồng thời, hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị đối với tàu hoạt động khai thác thủy sản. Ngoài ra, tất cả tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên được kiểm tra trước khi rời cảng khi khai thác, bảo đảm đầy đủ giấy tờ và trang thiết bị theo quy định và được theo dõi, giám sát hoạt động qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá khi tham gia khai thác trên biển…”.

Dồn sức gỡ thẻ vàng IUU ảnh 1

Cán bộ Ðồn Biên phòng Hàm Luông phát tờ rơi tuyên truyền cho ngư dân tại cảng cá Ba Tri (tỉnh Bến Tre) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. (Ảnh HOÀNG TRUNG)

Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm

Kiên Giang là tỉnh có lượng tàu đánh bắt cá lớn nhất cả nước với hơn 8.210 chiếc đăng ký; trong đó, tàu cá chiều dài từ 15m trở lên là 3.634 tàu. Những năm trước, do ngư trường suy giảm nghiêm trọng, một số tàu cá khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, nhờ thực hiện quyết liệt qua từng năm, nhất là sau lần kiểm tra thứ tư của EC, số tàu cá ở Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài giảm dần.

Năm 2023, số tàu vi phạm còn 16 vụ, 22 tàu (giảm 2 vụ, 4 tàu so với năm 2022). Sau đợt kiểm tra thứ tư về IUU vào tháng 10/2023, đoàn thanh tra của EC đã chỉ ra 4 hạn chế mà Kiên Giang cần khắc phục sớm là: Vẫn còn tàu vi phạm vùng biển nước ngoài; vẫn còn tàu mất kết nối; việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chưa bảo đảm; công tác quản lý đào tạo chưa chặt chẽ, trong đó vẫn còn tàu “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Ðến nay tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp và đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo Sở NN và PTNT Kiên Giang, tỉnh đã hỗ trợ 50% chi phí hơn 2,6 tỷ đồng cho các tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), bảo đảm liên lạc và tín hiệu thông suốt. Tập trung hướng dẫn ngư dân ghi chép sổ sách truy xuất nguồn gốc, kiểm tra các cảng, quản lý các đội tàu, thống kê, thủ tục đăng ký, đăng kiểm đúng quy định.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang vừa ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục triệt để các cảnh báo của EC về chống khai thác IUU. Theo đó, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, khắc phục triệt để các bất cập, hạn chế, yếu kém về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh với quyết tâm chính trị cao nhất.

Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương mà đoàn thanh tra lần thứ tư của EC trực tiếp kiểm tra vào tháng 10/2023. Ðến nay, công tác triển khai phòng chống IUU đạt nhiều kết quả tốt. Tổng số tàu cá của tỉnh là 4.484 tàu, trong đó tàu hoạt động vùng khơi là 2.734 tàu (chiếm 60,97%), vùng lộng 623 tàu (chiếm 13,89%), vùng ven bờ 1.127 tàu (chiếm 25,14%). Tổng số tàu cá của tỉnh có xu hướng giảm dần, phù hợp quy hoạch chiến lược phát triển của ngành.

Tỉnh đã triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành với các lực lượng chức năng như Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển III, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, lực lượng kiểm Ngư, và tổ phản ứng nhanh của các huyện, thị xã, thành phố; thường xuyên theo dõi, xử lý thông tin tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới trên biển, khắc phục được tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Từ tháng 8/2022 đến nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chưa có tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ. Tỉnh đã cập nhật 100% thông tin dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia, cấp đăng kiểm tàu cá (cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên) cho 2.341 tàu trong tổng số 2.734 tàu đã đăng kiểm, tỷ lệ đăng kiểm còn hạn đạt 85,63%; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 2.727/2.734 tàu, đạt 99,74%; đã có 2.647/2.734 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và cấp giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho 2.627/2.734 tàu (đạt 96,09%). Ðặc biệt, tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng tàu cá vi phạm.

Theo thống kê, từ khi triển khai Công điện 1058/CÐ-TTg ngày 4/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ đến nay, toàn tỉnh đã điều tra, xử lý 55 vụ với 59 đối tượng phạt tiền gần 1,35 tỷ đồng liên quan đến lĩnh vực thủy sản; phát hiện 185 trường hợp tàu cá mất kết nối hơn 10 ngày trên biển, đã điều tra, xử lý 164 trường hợp, đang điều tra, xác minh để xử lý nốt 21 trường hợp còn lại.

Ðối với trường hợp tàu cá không có giấy phép khai thác, mất kết nối VMS vẫn hoạt động (tàu cá BV-96768-TS, chủ tàu Võ Thành Bắc), ngày 30/11/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Võ Thành Bắc với tổng mức hình phạt 1,335 tỷ đồng. Việc Ðoàn thanh tra EC phát hiện 8 tàu cá không rõ số đăng ký tại khu neo đậu Phước Hiệp, huyện Long Ðiền, nghi ngờ có đi hoạt động khai thác, gồm 1 tàu của tỉnh Bạc Liêu và 7 tàu của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh đã quyết định xử lý vi phạm hành chính, với tổng mức phạt là 35 triệu đồng; hiện đang được lực lượng biên phòng và địa phương quản lý giám sát.

(Còn nữa)