Giai đoạn quyết định để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran

Chia sẻ nhận định cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đang trong giai đoạn quyết định, song các bên vẫn gửi đi những thông điệp cứng rắn. Iran khẳng định “không chờ đợi vô thời hạn”, còn Mỹ tuyên bố đã có “kế hoạch B”. Dư luận thì vẫn hy vọng vào kịch bản “cơm sôi bớt lửa”, nhằm sớm khép lại căng thẳng vốn phức tạp và dai dẳng.

Toàn cảnh vòng đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ở Vienna, Áo ngày 3/12/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Toàn cảnh vòng đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ở Vienna, Áo ngày 3/12/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khởi động từ tháng 4/2021 tại Vienna (Áo), cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được Iran và nhóm P5+1 ký năm 2015 song Mỹ đã rút đi, đến nay đã diễn ra 8 vòng. Tham gia đàm phán trực tiếp, có các đại diện của Iran, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và Đức, trong khi Mỹ chỉ đàm phán gián tiếp thông qua trung gian là Liên minh châu Âu (EU).

Nhấn mạnh tính chất đặc biệt quan trọng của giai đoạn đàm phán hiện nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington nhận thấy chương trình hạt nhân Iran đã có những bước tiến mà thỏa thuận ký năm 2015 không còn bảo đảm được những lợi ích cơ bản, nếu không được sửa đổi.

Trưởng phái đoàn đại diện Trung Quốc tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) kêu gọi các bên đưa ra những quyết định chính trị trong giai đoạn cuối của cuộc đàm phán. Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban chung về thỏa thuận hạt nhân Iran, đại diện Trung Quốc cho rằng, cuộc đàm phán đã bước vào giai đoạn cuối quan trọng và do đó cần thể hiện quyết tâm chính trị để đạt được thỏa thuận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp thậm chí hối thúc các bên tham gia đàm phán đạt được thỏa thuận ngay trong tuần này.

Trong khi đó, Iran kêu gọi các nước phương Tây cần quyết định trong một số vấn đề quan trọng để cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA đạt kết quả. Iran nêu rõ, các vấn đề còn tồn đọng hiện nay gồm mức độ rút lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, việc bảo đảm Mỹ sẽ không rút khỏi thỏa thuận một lần nữa và vấn đề thực hiện cam kết hạt nhân của Iran. Hôm 1/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran khẳng định, Tehran muốn đạt thỏa thuận nhưng sẽ không chờ đợi vô hạn. Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ thời hạn nào do phương Tây đơn phương đặt ra đối với việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân.

Phía Iran đồng thời nhấn mạnh rằng, việc đạt thỏa thuận là “trong tầm tay” và Mỹ cần đưa ra quyết định. Tehran khẳng định, nếu Mỹ và các nước phương Tây tôn trọng các yêu sách hợp lý của Iran và đưa ra các quyết định, chắc chắn Iran có thể ký thỏa thuận hạt nhân trong thời gian sớm nhất.

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran đã trở lại Vienna cuối tuần trước, với định hướng rõ ràng để theo đuổi các cuộc đàm phán nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến việc khôi phục JCPOA. Trưởng đoàn đàm phán của Iran cho biết, các bên đã tiến đến giai đoạn đàm phán cuối cùng, nhưng chưa có gì bảo đảm sẽ đạt được đích đến là ký kết một thỏa thuận. Vẫn cần thêm sự cẩn trọng, kiên trì, sáng tạo và cách tiếp cận cân bằng để đi đến bước cuối cùng.

Truyền thông trước đó cũng đưa tin: Các bên tham gia đàm phán ở Vienna đã phác thảo một thỏa thuận mở đường cho việc khôi phục JCPOA. Các quan chức ngoại giao cho biết, một số vấn đề vẫn còn “mơ hồ” trong bản thỏa thuận, trong đó có việc mở lại các tài khoản của Iran trị giá hàng tỷ USD trong các ngân hàng ở Hàn Quốc, cũng như trả tự do cho các tù nhân phương Tây đang bị giam giữ tại Iran.

Phát biểu trong cuộc điện đàm với Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh, ngay trước thềm vòng đàm phán tại Vienna tái khởi động, Bộ trưởng Ngoại giao Iran nhấn mạnh, lựa chọn kiên quyết của Tehran là “không vượt lằn ranh đỏ” trong đàm phán nối lại JCPOA. Các vấn đề tồn đọng có thể được giải quyết và thỏa thuận cuối cùng có thể đạt được nếu các nước phương Tây có cách tiếp cận thực tế.

Một mặt, cả Mỹ và Iran đều cố gắng chứng tỏ sự quyết tâm đạt được thỏa thuận. Mặt khác, cả hai lại tỏ rõ sự cương quyết và cứng rắn khi cho rằng đòi hỏi của bên kia là khó chấp nhận.