Để khắc phục vấn đề này, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên tiến hành đấu giá cấp quyền khai thác nhiều mỏ đất; điều chỉnh thiết kế, nâng công suất khai thác hàng chục mỏ đá. Tuy nhiên, việc đưa các mỏ đất vừa được đấu giá sớm đi vào hoạt động cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan quản lý, các đơn vị khai thác, đồng thời cần nghiên cứu sửa đổi bất cập về giải phóng mặt bằng.
Ðường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc dài hơn 38 km, mặt đường rộng 22,5m với bốn làn xe, có tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng, là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024. Thế nhưng đến nay, việc xây dựng tuyến đường này đang gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, tuyến đường cần gần 1 triệu m3 đất đắp, trong đó có thể điều phối đất trong dự án từ đoạn thừa sang đoạn thiếu, nhưng giai đoạn đầu chưa thông tuyến cho nên phải vận chuyển quá xa, trong khi giá nhiên liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu bị thiệt hại lớn.
Hiện nay, việc san lấp mặt đường cơ bản đã hoàn thành, nhưng các nhà thầu lại đối mặt với tình trạng thiếu đá dăm với khối lượng lớn để thi công nền đường. Ðội trưởng thi công của Tổng công ty 319 Ðỗ Ðình Ðại cho biết: “Với yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, chất lượng công trình, nhiều đoạn trên tuyến hiện đã bước vào giai đoạn thi công nền đường, cần lượng đá tiêu chuẩn rất lớn, nhưng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên khan hiếm, chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu.
Ðể có đá xây dựng, đơn vị phải mua ở tỉnh ngoài, vận chuyển xa khiến cho giá đá cao hơn từ 60-70 nghìn đồng mỗi m3 so với dự toán được duyệt. Ðá xây dựng khan hiếm, giá tăng cao không chỉ làm cho nhà thầu bị thiệt hại mà tiến độ công trình có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn.
Cũng trên tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc, đoạn từ Km22+25 đến Km32+44 dài khoảng 10 km, do Công ty cổ phần Ðầu tư năng lượng-xây dựng-thương mại Hoàng Sơn thi công, đến nay cũng bước vào giai đoạn làm nền đường, cần lượng đá dăm rất lớn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Cường, đại diện nhà thầu chia sẻ: “Ðá dăm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang rất khan hiếm, để đáp ứng tiến độ, công ty phải lên Bắc Kạn, Tuyên Quang để mua, vận chuyển xa hàng trăm km, khiến chi phí tăng cao, khối lượng không đủ nhu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ thi công”.
Không chỉ thiếu đá xây dựng, tình trạng thiếu đất san lấp cũng diễn ra đối với nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ðiển hình là đoạn tuyến đường vành đai 5, kết nối tỉnh Thái Nguyên với Bắc Giang dài 6 km, mặt đường rộng bốn làn xe cũng đang được tỉnh Thái Nguyên đẩy nhanh thi công. Tuy nhiên, thời gian qua, đất san lấp rất thiếu, các nhà thầu phải đôn đáo tìm mua từ nhiều nơi vận chuyển về để thi công đường.
Tương tự, các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách như Khu dân cư Danko, Cụm công nghiệp Hạnh Phúc-Xuân Phương trên địa bàn huyện Phú Bình cần lượng đất đắp lên đến hàng triệu m3, các nhà thầu phải vất vả trong việc tìm nguồn vật liệu san lấp, giá tăng cao từ 40-50 nghìn đồng mỗi m3 đất so với dự toán.
Nguyên nhân dẫn đến thiếu đất san lấp, đá dăm xây dựng là do nhiều dự án, công trình quy mô lớn được triển khai cùng lúc, nhu cầu vật liệu rất lớn. Trong khi đó, thời gian qua, nhiều mỏ đất trên địa bàn gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thiện thủ tục, công suất khai thác hạn chế; nhiều mỏ đá dừng hoạt động do chưa đủ điều kiện khai thác, những mỏ đá đang hoạt động thì công suất hạn chế, quy mô nhỏ.
Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên, Ngô Mạnh Cường
Theo tiến độ, năm 2024, tỉnh Thái Nguyên hoàn thành xây dựng các dự án chuyển tiếp từ các năm trước và dự kiến sẽ khởi công xây dựng một số dự án giao thông có quy mô lớn và triển khai hàng chục khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị mới và cần khối lượng đất san lấp và đá xây dựng rất lớn. Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Bá Chính cho biết: “Nhằm khắc phục tình trạng này, thời gian gần đây, chúng tôi tích cực tham mưu cho tỉnh tháo gỡ bất cập, chấn chỉnh các chủ đầu tư và đã đưa hơn 10 mỏ đá hoạt động trở lại, điều chỉnh nâng trữ lượng khai thác ở những mỏ có điều kiện. Ðồng thời, Sở cũng tích cực đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thiện điều kiện, hồ sơ để được cấp phép sử dụng mìn đúng quy định, đúng thời gian để tiến hành khai thác các mỏ đá”.
Tỉnh Thái Nguyên cũng vừa đấu giá quyền khai thác hơn 10 mỏ đất với trữ lượng hàng chục triệu m3 để tăng cường cung cấp vật liệu san lấp trên địa bàn. Tuy nhiên, để đưa các mỏ này đi vào hoạt động từ năm 2024, các cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương và các chủ đầu tư cần tích cực phối hợp chặt chẽ để sớm hoàn thiện quy trình, thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuê đất, giao đất, đánh giá tác động môi trường, thiết kế khai thác... vốn rất dài và phức tạp.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là các chủ đầu tư phải thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng, khi các thủ tục liên quan đã hoàn thiện mà không giải phóng được mặt bằng, hoặc giải phóng mặt bằng theo kiểu “xôi đỗ” thì không thể khai thác được hoặc khai thác không hiệu quả, dẫn đến thiếu vật liệu san lấp. Nhằm khắc phục những khó khăn nêu trên, Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Ðức Khánh chia sẻ: Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền đưa mỏ làm vật liệu san lấp ra khỏi diện thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay.