Là người hay sử dụng phương tiện cá nhân là ô-tô khi di chuyển vào khu vực trung tâm thành phố, điều làm anh Ân lo lắng là tìm chỗ đậu xe. Nếu chọn các trung tâm thương mại, khách sạn để đậu xe thì mức phí khá cao, khoảng 40.000 đến 50.000 đồng/lần, hoặc mức phí tính theo thời gian thực tế đậu xe; nếu đậu tại các tuyến đường có thu phí theo quy định thì khu vực trung tâm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ðây là thực tế mà những người có nhu cầu gửi phương tiện cá nhân gặp phải, khi lưu thông trên địa bàn thành phố, nhất là các khu vực trung tâm và bài toán bức bách về chỗ đậu xe, bến bãi từ lâu vẫn chưa có lời giải.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 568/QÐ-TTg ngày 8/4/2013), trên địa bàn thành phố có 42 vị trí bố trí bãi đỗ xe công cộng có quy mô 326 ha, trong khi đó quy hoạch chung của các quận, huyện là 58 vị trí với 267,3 ha (thấp hơn so với Quyết định 568 là 58,7 ha). Cũng theo thống kê từ các quận, huyện trên địa bàn thành phố, hiện các địa phương mới chỉ đang khai thác bốn vị trí với 2,69 ha. Kết quả đầu tư vị trí bãi đỗ xe này là quá thấp so với nhu cầu của một đô thị hơn 10 triệu dân như Thành phố Hồ Chí Minh.
Tính đến tháng 12/2022, thành phố đang quản lý gần 9 triệu phương tiện, trong đó có gần 900.000 xe ô-tô và 7,9 triệu xe mô-tô (chưa tính có hơn 1 triệu phương tiện vãng lai các loại từ các tỉnh khác đang hoạt động trên địa bàn thành phố). So với cùng kỳ năm 2021, tổng số phương tiện đang quản lý tăng 3,94% (ô-tô tăng 8,43%, mô-tô tăng 3,46%); trong năm 2022, bình quân mỗi ngày có khoảng 170 ô-tô và 665 mô-tô đăng ký mới. Rõ ràng, số đầu phương tiện lưu thông và vị trí bãi đậu xe công cộng đang tỷ lệ nghịch với nhau, chưa có sự đầu tư và quan tâm xứng tầm từ chính quyền thành phố, từ đó dẫn đến không ít bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, lập lại trật tự giao thông đô thị và xây dựng đô thị văn minh.
Hơn 10 năm trước, thành phố đã kêu gọi đầu tư 4 dự án bãi đỗ xe ngầm, nằm ở khu vực trung tâm nhưng vì nhiều lý do, chủ yếu do vướng quy hoạch nên các dự án này vẫn nằm trên giấy. Trong khi chờ quy hoạch, chủ trương và cơ chế đầu tư các dự án hạ tầng "ngầm" hình thành, mới đây Sở Giao thông vận tải trình Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cho phép thành phố thực hiện mô hình xây nhà đỗ xe cao tầng, lắp ghép, bãi đỗ xe thông minh để phù hợp với đặc thù đô thị, quỹ đất hạn chế, mà chi phí đầu tư phù hợp.
Ðề xuất này lập tức được nhiều chuyên gia giao thông, đô thị ủng hộ vì đây là lời giải cho thực trạng mất cân đối rất lớn giữa giao thông tĩnh và giao thông động của Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, kinh phí đầu tư phù hợp với túi tiền của nhà đầu tư, thời gian thu hồi vốn ngắn, nhưng phải trên cơ sở có quỹ đất công cộng hay cơ chế "mở" để làm dự án.
Cùng với việc chọn lựa mô hình đầu tư phù hợp, thành phố cần rà soát lại quy hoạch, các quy định pháp lý ràng buộc chủ đầu tư khi xây dựng các dự án nhà ở, kinh doanh, thương mại dịch vụ, trung tâm thương mại phải theo hướng dành quỹ đất phù hợp để làm các bãi đậu xe phục vụ cộng đồng và khách vãng lai, kết nối với khu vực lân cận qua đó bảo đảm tiện ích về dịch vụ và hạ tầng giao thông; không để Nhà nước phải "gánh" trách nhiệm đầu tư trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp…■