Cà Mau có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước với hơn 300.000ha, trong đó có hơn 270.000ha nuôi tôm với nhiều loại hình. Thời điểm hiện tại, diện tích tôm thả nuôi đạt 100%; trong đó, nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến gần 180.000ha, tăng 8,45% so với cùng kỳ; nuôi siêu thâm canh đạt hơn 4.600ha, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng tăng, xuất khẩu giảm
Những ngày này, nhà nông Cà Mau rốt ráo thu hoạch nốt vụ tôm sau Tết Nguyên đán 2023. Tại Hợp tác xã nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng (ấp Bào Vũng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước), hơn 300ha tôm của các xã viên đã lấp đầy vụ mới, trong đó có gần 50ha nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh.
Chủ tịch hợp tác xã Huỳnh Xuân Diện cho biết, hồi giữa tháng 5 này, nhiều đầm tôm thẻ chân trắng nuôi theo hình thức siêu thâm canh của hợp tác xã đã thu hoạch, năng suất đạt hơn 50 tấn/ha nhưng giá giảm vài chục nghìn đồng so với trước khiến nhiều hộ xã viên không có lời, thậm chí lỗ vốn.
Nhờ bảo đảm tốt về diện tích và tỷ lệ thả nuôi nên trong năm tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của Cà Mau đạt hơn 168.000 tấn, tăng 5,84% so với cùng kỳ 2022; trong đó, riêng tổng sản lượng tôm đạt 99.200 tấn, tăng 5,76% so với cùng kỳ 2022, sản lượng chế biến tôm tăng 3,3%.
Nhưng trong năm tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh Cà Mau chỉ đạt hơn 383 triệu USD, giảm hơn 24% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, các thị trường lớn giảm nhiều như: Mỹ (giảm 56,61%), EU (giảm 19,3%), Nhật Bản (giảm 47,68%), Australia (giảm 56,83%)...
“Cà Mau không thiếu tôm nhưng gần đây xuất khẩu gặp khó về đầu ra khiến hàng tồn kho nhiều, kéo theo giá tôm nguyên liệu liên tục giảm, tác động bất lợi đến nông dân và chuỗi sản xuất tôm”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Châu Công Bằng chia sẻ.
Theo cập nhật của ngành chức năng tỉnh, đến ngày 21/5 vừa qua, giá tôm so với cùng kỳ 2022 giảm trung bình từ 15.000 đến 45.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Y Đạt, đại diện chuỗi nuôi tôm và cung ứng thức ăn tôm Biofloc tại Cà Mau phân tích: Nông dân không còn tài sản bảo đảm để vay vốn nên thường mua thiếu (nợ) thức ăn tôm từ hệ thống đại lý, giá bị đẩy lên so với mua bằng tiền mặt. Đây cũng là nguyên nhân làm chi phí đầu vào nuôi tôm tăng, khiến nhà nông Cà Mau không có lời, thậm chí lỗ vốn khi giá tôm nguyên liệu giảm sâu.
Tại hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm của địa phương vào ngày 22/5 vừa qua, Phó Giám đốc Sở Công thương Cà Mau Dương Vũ Nam cho biết: Thị trường xuất khẩu lao dốc, đơn hàng giảm sâu do tình trạng suy thoái và lạm phát tại các nền kinh tế lớn ở mức cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng tồn kho tại Cà Mau đến thời điểm đầu tháng 5 vừa qua lên tới hơn 24.000 tấn; trong đó, lượng tôm lưu trữ tại kho khoảng 20.640 tấn, cá và chả cá khoảng 3.900 tấn.
Không để đứt gãy chuỗi sản xuất
Giá tôm nguyên liệu ở Cà Mau theo hướng giảm sâu đang gây bất lợi trực tiếp cho nông dân nuôi tôm, có thể kéo theo hàng loạt hệ lụy một khi nhà nông treo ao, bỏ đầm. Đây cũng là lo lắng chung của các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu tại thủ phủ nuôi tôm lớn nhất cả nước.
Cũng tại hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm vừa qua, đại diện nhiều doanh nghiệp chế biến tôm ở Cà Mau khẳng định, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, doanh nghiệp cũng luôn ưu tiên và không bao giờ từ chối thu mua tôm nguyên liệu trong dân nhằm duy trì sản xuất, duy trì việc làm của hàng nghìn công nhân. Tuy nhiên, giá tôm xuất khẩu do thị trường thế giới quyết định và mức giá thu mua không thể cao hơn.
“Chúng ta đừng kỳ vọng giá tôm tăng mà phải làm sao hạ giá thành tôm nuôi càng thấp càng tốt và tăng hơn nữa về sản lượng”, đại diện Tập đoàn Minh Phú nêu quan điểm.
Báo cáo từ Sở Công thương Cà Mau cũng chỉ rõ, chi phí sản xuất tôm của Cà Mau và Việt Nam hiện cao hơn các nước như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia... Vì vậy doanh nghiệp khó cạnh tranh về giá tại một số thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Singapore...
“Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chúng ta cần ngồi lại, nếu không liên kết thì từng ngành, từng lĩnh vực trong chuỗi sản xuất tôm sẽ không thể làm được như trước, dễ dẫn đến đứt gãy sản xuất”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử khẳng định.
Giá giảm, sức mua giảm dẫn đến hàng tồn kho nhiều; kéo theo ảnh hưởng dây chuyền: vòng vay sản xuất chậm, vòng vốn tăng, nhu cầu mua nguyên liệu giảm dẫn đến điều kiện mua khắt khe hơn trước. Dẫu vậy, việc thu mua nguyên liệu đầu vào vẫn được xúc tiến như mọi khi và hoàn toàn không có chuyện doanh nghiệp “té nước theo mưa” chèn ép nhà nông, hoặc không thu mua tôm do nông dân sản xuất ra. Nhà nông dù gặp khó do giá giảm nhưng cũng có cơ hội được trợ giúp từ ngân hàng, bởi dòng vốn phục vụ sản xuất từ Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hiện còn tồn hơn 3.000 tỷ đồng trong hạn mức tín dụng nhưng chưa tìm được khách hàng.
Theo đồng chí Lê Văn Sử, tình hình đầu ra cho con tôm nguyên liệu ở Cà Mau được dự báo là sẽ còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất ở đây là chúng ta không dự báo được khó khăn, khi mà các dự báo trước đây chưa đạt yêu cầu và chưa dự báo được tình hình sắp tới khi có sự biến động liên tục trên thế giới gây tác động bất lợi đến xuất khẩu tôm.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng mong muốn có sự phối hợp hài hòa, gắn kết chặt chẽ của “4 nhà” để duy trì hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu trên tinh thần không để chuỗi sản xuất bị đứt gãy. Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần tăng cường quản lý chặt chẽ doanh nghiệp, đại lý thu mua, không để xảy ra tình trạng ép giá thu mua tôm nguyên liệu và quản lý tốt giá cả, chất lượng con giống, vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, giá tôm phải theo thị trường thế giới nhưng làm sao để nông dân trực tiếp sản xuất tôm có lợi nhuận khi giá mua giảm? Chi phí đầu vào, đặc biệt là thức ăn cho con tôm, là nút thắt lớn nhất nhưng nằm ngoài sự kiểm soát của địa phương. Giải pháp có thể áp dụng là tăng cường kiểm tra giá cả đầu vào phục vụ sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giảm khâu trung gian trong thu mua nguyên liệu, tăng cường cán bộ kỹ thuật cùng “ra ruộng” giúp nông dân nâng cao hơn nữa năng suất, hiệu quả nuôi tôm…
Đồng thời, các ngân hàng cũng cần linh hoạt giải ngân từ các dòng vốn theo chính sách hiện hành, tạo điều kiện giúp nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã… tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để duy trì, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tích cực tham mưu để Cà Mau kiến nghị Chính phủ sớm thực hiện gói tín dụng 10.000 tỷ đồng trong hỗ trợ doanh nghiệp trữ hàng sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.
Với doanh nghiệp xuất khẩu, trong điều kiện hàng còn tồn kho nhiều, cần khai thác thị trường nội địa còn bỏ ngỏ với những mặt hàng đơn giản nhưng phù hợp với số đông người tiêu dùng. “Chỉ tiêu xuất khẩu của tỉnh năm 2023 là 1,3 tỷ USD, trong đó thủy sản đạt mức 1,1 tỷ USD.
Trước thực tế khó khăn hiện nay và rất khó dự báo được tình hình biến động sắp tới, cả hệ thống chính trị tỉnh đã vào cuộc và quyết tâm nhiều hơn nữa nhằm cộng đồng trách nhiệm để từng bước tháo gỡ khó khăn” - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt bày tỏ.