Giá thực phẩm "leo thang" đẩy lạm phát của Anh trở lại mức cao nhất trong 40 năm

Giá thực phẩm tăng mạnh nhất kể từ năm 1980 đã đẩy lạm phát của Anh trong tháng 9 vừa qua trở lại mức 2 con số, tương tự mức kỷ lục thiết lập hồi tháng 7 vừa qua. Đây được coi là "đòn giáng mới" đối với các hộ gia đình vốn đang chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm Covid-19 khi xếp hàng chờ mua sắm bên ngoài 1 siêu thị ở Gateshead, Anh, ngày 9/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm Covid-19 khi xếp hàng chờ mua sắm bên ngoài 1 siêu thị ở Gateshead, Anh, ngày 9/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh công bố ngày 18/10, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 9 vừa qua đã tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, trong cuộc thăm dò dư luận của hãng tin Reuters, các nhà kinh tế dự báo con số này ở mức 10,0% sau khi tăng 9,9% trong tháng 8.

Giá thực phẩm và đồ uống không cồn là những mặt hàng tăng mạnh nhất, kể từ tháng 4/1980, với mức tăng 14,5%, khiến lạm phát của Anh tăng vọt trong tháng 9.

Theo ông Paul Dales, nhà kinh tế trưởng tại Anh thuộc công ty tư vấn Capital Economics, báo cáo của Văn phòng Thống kê Anh đã nêu bật nguy cơ khi lạm phát vẫn cao ngay cả khi nền kinh tế suy yếu.

Ông cho biết lạm phát cơ bản - thước đo giá cả hàng hóa không tính giá lương thực và năng lượng, ở mức 6.5% - cao nhất trong 30 năm qua.

Cũng như nhiều nước châu Âu khác, nền kinh tế Anh đang đối mặt với nhiều thách thức, khi trải qua qua thời kỳ giá khí đốt tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cùng với tình trạng "thắt cổ chai" của chuỗi cung ứng hàng hóa, thiếu thốn lao động,...

Liên quan đến chính trường Anh, Ngoại trưởng nước này James Cleverly khẳng định, việc bầu chọn nhà lãnh đạo mới sẽ không giúp thị trường tài chính ổn định.

Ông James Cleverly đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh uy tín của Thủ tướng Anh Liz Truss giảm sút liên quan đến kế hoạch ngân sách, kéo theo việc mất chức của cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng chỉ sau 6 tuần tại nhiệm.

Thủ tướng Liz Truss cũng đã xin lỗi vì “những sai lầm” trong chính sách của bà, khiến niềm tin của nhà đầu tư và mức độ tín nhiệm trong các cuộc thăm dò sụt giảm.

Mặc dù vậy, bà khẳng định sẽ không từ chức. Hiện tân Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt đang nỗ lực dẫn dắt nền kinh tế nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng niềm tin của các nhà đầu tư.