Giá trị giao dịch toàn Sở tăng mạnh gần 10% và vượt lên trên mốc 6.000 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng của nhóm năng lượng và nông sản đạt gần 5.000 tỷ đồng, tương đương 80%.
Kết thúc phiên giao dịch 16/2, sắc xanh quay trở lại phủ kín bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở Chicago, sau phiên điều chỉnh mạnh trước đó.
Đáng chú ý nhất là mức tăng rất mạnh của tổ hợp đậu tương, trước các lo ngại về tình trạng thời tiết vẫn đang bất lợi ở khu vực Nam Mỹ. Điều này dẫn đến việc nhu cầu nhập khẩu đậu tương Mỹ từ Trung Quốc, nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới để bù đắp vào việc nguồn cung giảm từ Nam Mỹ.
Theo Reuters, Trung Quốc đã nhập 7,8 triệu tấn đậu tương trong tháng 1, trong đó, đậu tương có nguồn gốc từ Mỹ đạt 5,8 triệu tấn.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, các nhà xuất khẩu tư nhân đã bán 132.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc trong báo cáo bán hàng hằng ngày. Các thông tin trên đã giúp giá đậu tương bật tăng mạnh từ mức hỗ trợ quan trọng 1.550 cents và đóng cửa với mức tăng 2,34%.
Đà tăng của đậu tương cũng giúp cho giá khô đậu tăng mạnh 2,42% lên 449,4 USD/tấn Mỹ và dầu đậu tương tăng 2,04% lên 66,97 cents/pound.
Tương tự với đậu tương, thời tiết thiếu mưa ở khu vực Nam Mỹ cũng ảnh hưởng đáng kể đến mùa vụ ngô. Cùng với đó, sản lượng ethanol của Mỹ đã tăng trở lại trên mức 1 triệu thùng/ngày, giúp cho giá ngô phục hồi 1,41% lên mức 647 cents/giạ, lấy lại một phần mức giảm của phiên trước đó.
Trái với đà tăng mạnh của các mặt hàng khác, lúa mì giằng co với biên độ hẹp quanh mức tham chiếu và đóng cửa chỉ tăng không đáng kể.
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn chưa ngừng tăng, tuy nhiên, trên thị trường nội địa, giá lợn hơi hôm nay lại giảm rải rác ở một số tỉnh, thành phố. Ở miền bắc, Hưng Yên, Thái Bình và Phú Thọ giảm nhiều nhất là 1.000 đồng/kg, tương tự là Quảng Trị, Huế và Ninh Thuận ở miền trung. Trong khi khu vực miền nam ghi nhận mức giảm ở Tây Ninh, Vũng Tàu và An Giang.