Gia tăng thu nhập từ chuyển đổi mô hình sản xuất

NDO -

Năm 2021, các địa phương phía bắc đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa và triển khai nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình có liên kết sản xuất,... Nhờ vậy gia tăng giá trị trên một đơn vị canh tác, bảo đảm ổn định đầu ra cho nông sản, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Mô hình trồng cây ăn quả mang lại thu nhập cao ở Sơn La.
Mô hình trồng cây ăn quả mang lại thu nhập cao ở Sơn La.

Cục Trồng trọt cho biết, năm 2021 các tỉnh phía bắc chuyển đổi khoảng 17,8 nghìn ha, trong đó diện tích chuyển đổi từ đất 2 vụ lúa là 12,9 nghìn ha, đất 1 vụ lúa là 4,9 nghìn ha. Vùng có diện tích chuyển đổi nhiều nhất là vùng đồng bằng sông Hồng với gần 10 nghìn ha, chủ yếu chuyển đổi sang cây trồng cạn như ngô, lạc, đậu tương, dưa hấu, cây dược liệu, cây thức ăn chăn nuôi, rau màu các loại; vùng Bắc Trung Bộ chuyển đổi khoảng 4,4 nghìn ha sang cây trồng cạn như hoa, cây cảnh, ngô, đậu tương, ớt, cỏ, rau các loại, nuôi trồng thủy sản; các tỉnh trung du miền núi phía bắc chuyển đổi khoảng 3,5 nghìn ha.

Điển hình như tỉnh Thái Bình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trong vụ đông xuân, vụ mùa năm 2021 là 652 ha; tỉnh Vĩnh Phúc khoảng hơn 1 nghìn ha; tỉnh Thái Nguyên khoảng 1.100 ha. Tại tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện chuyển đổi 2.174 ha đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang trồng cây khác và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với diện tích chuyển đổi từ đất lúa thiếu nước sang cây trồng khác khoảng 302 ha. Đặc biệt, các loại cây trồng chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Điển hình như vùng chuyển đổi gần 100 ha dưa hấu từ đất lúa thiếu nước tại xã Phong Bình huyện Gio Linh cho thu nhập bình quân từ 120 đến 140 triệu đồng/ha...

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường, ngoài việc chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng khác, nhiều địa phương đã áp dụng các mô hình ứng dụng những tiến bộ vào sản xuất, mô hình liên kết sản xuất và mô hình sản xuất an toàn mang lại thu nhập cao, góp phần gia tăng giá trị canh tác.

Điển hình như tỉnh Hưng Yên, năm qua triển khai được 115 mô hình sản xuất lúa tập trung theo quy mô lớn với diện tích là 2.485 ha. Trong đó, vụ đông xuân thực hiện được 61 mô hình với diện tích 1.230 ha như: mô hình cấy lúa chất lượng cao; mô hình sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm, lúa giống có liên kết tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thu nhập cao hơn sản xuất đại trà từ 10 đến 12 triệu đồng/ha.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, mô hình phát triển sản xuất mạ khay trên các giống lúa TBR225, BC15, T10 để mở rộng diện tích cấy lúa với quy mô 315 ha lúa thực hiện tại 5 huyện Đông Anh, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Sóc Sơn và Thạch Thất. Kết quả, gieo mạ khay, cấy máy giúp giảm chi phí sản xuất cho bà con nông dân so với gieo mạ cấy tay truyền thống từ 5 đến 6 triệu đồng/ha.

Còn tại tỉnh Bắc Giang, mô hình sản xuất rau cần xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm cho giá trị từ 300 đến 450 triệu/ha; vùng sản xuất rau tập trung tại hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm 3, huyện Hiệp Hòa với diện tích khoảng 10 ha, cho thu nhập hơn 300 triệu/ha; mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại xã Bắc Lý, Hoàng An cho thu nhập hơn 190 triệu đồng/ha; mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng quy mô 60 ha, trong đó có 10 ha được sản xuất theo mô hình nhà màng công nghệ cao, 2 ha nhà lưới đơn giản cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha...

Hay mô hình liên kết sản xuất gạo Séng Cù của hợp tác xã Mường Vi, huyện Bát Xát (Lào Cai) cho năng suất 65 tạ/ha, giá bán hơn 16 nghìn đồng/kg, giá trị sản xuất đạt hơn 104 triệu/ha. Mô hình trồng hoa hồng, hoa lily của hợp tác xã nông nghiệp xanh Sa Pa và một số cá nhân thuê đất sản xuất. Doanh thu trồng hoa lily đạt từ 3 đến 3,5 tỷ/ha/năm, hoa hồng từ 700 đến 800 triệu đồng/ha/năm. Mô hình trồng rau cải Kale tại thị trấn Bắc Hà, xã Bản Phố, Na Hối, Tà Chải, một năm cho thu hoạch 7 đến 8 tháng, năng suất 80 tạ/ha, thu nhập đạt 200 triệu/ha.

Ngoài ra, mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen, diện tích thực hiện 6 ha tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) với năng suất 2,3 tấn/ha. Điều đáng nói, trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả khá phù hợp với các chân ruộng trũng tại huyện Lệ Thủy khi sen có tỷ lệ sống cao (khoảng 90%), thời gian ra hoa kéo dài (90 ngày), thời gian thu hoạch dài, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa từ 2 đến 2,5 lần.

Năm 2021, hợp tác xã nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong (Quảng Trị) tổ chức sản xuất gần 100 ha lúa (11 ha được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam). Đây là mô hình canh tác theo phương thức tự nhiên từ công nghệ của Hàn Quốc, hoàn toàn sử dụng các loại phân bón hữu cơ tự chế để bón cho lúa. Qua đánh giá, năng suất lúa đạt 7 tấn lúa tươi, tương đương 5 tấn lúa khô/ha. Do sản xuất có liên kết nên lúa được bảo đảm đầu ra ổn định, sau khi trừ chi phí bà con nông dân có lãi bình quân 48 triệu đồng/ha.

Kế hoạch năm 2022, các địa phương phía bắc dự kiến chuyển đổi khoảng 17 nghìn ha đất trồng lúa sang cây trồng khác, trong đó các tỉnh đồng bằng sông Hồng khoảng 9 nghìn ha, Bắc Trung Bộ khoảng 4,5 nghìn ha và trung du miền núi phía bắc là 3,5 nghìn ha.

Để bảo đảm việc chuyển đổi hiệu quả thì các địa phương cần chủ động rà soát diện tích trồng lúa kém hiệu quả, sớm có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; thực hiện chuyển đổi những diện tích trồng lúa ở khu vực cao, khó khăn về nước tưới sang cây trồng cạn như ngô, đậu tương, lạc, rau màu các loại có hiệu quả kinh tế cao hơn, nhất là vùng trung du miền núi phía bắc khi vụ đông xuân được dự báo thiếu hụt nguồn nước sản xuất.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố địa phương cũng cần lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện từng địa phương để đưa vào sản xuất trong vùng chuyển đổi; đẩy mạnh hơn nữa việc tập huấn và hướng dẫn các quy trình sản xuất các loại cây trồng vùng chuyển đổi nhằm tăng hiệu quả sản xuất; chủ động lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng vào sản xuất nơi chuyển đổi; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm ổn định cho bà con nông dân...