Theo bác sĩ Lê Xuân Cung, Phó Trưởng Khoa Kết giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương), từ sau Tết Nguyên đán đến nay, số lượng người bệnh đau mắt đỏ tăng, khoảng 10% (150 đến 200 người bệnh/ngày) so với mọi khi nhưng chưa bùng phát thành dịch. Phần lớn người bệnh đến khám đều ở Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình… Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, trong những ngày qua, số lượng người bệnh đau mắt đỏ đến khám cũng tăng khoảng 10% so với dịp trước Tết Nguyên đán.
Bác sĩ Hoàng Minh Anh, Trưởng Khoa Tổng hợp, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, trong điều kiện thời tiết hiện nay, vi-rút gây bệnh đau mắt đỏ phát triển mạnh và phát tán trong không khí, khiến bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, sau đó lây lan nhanh qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt và bắt tay. Theo bác sĩ Minh Anh, thời điểm này, bệnh đau mắt đỏ ở Hà Nội nhìn chung mới chỉ lây lan trong phạm vi gia đình, chưa bùng phát mạnh trong cộng đồng. Có nhiều gia đình cả nhà bị đau mắt, người này khỏi lại đến người kia mắc... kéo dài thời gian điều trị, gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và học tập.
Cùng với bệnh đau mắt đỏ, các loại bệnh viêm kết mạc dị ứng, điển hình là viêm kết mạc dị ứng cấp tính, viêm kết mạc theo mùa hoặc quanh năm, viêm kết mạc cơ địa dị ứng... cũng gia tăng mạnh. Bác sĩ Minh Anh khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tự mua thuốc về điều trị, đặc biệt là những loại thuốc có chứa Corticoit như Clorocid H1%, Dexaclor... nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt.
Trước thực trạng gia tăng số ca đau mắt đỏ trên địa bàn Hà Nội, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khuyến cáo phòng ngừa căn bệnh này. Theo các bác sĩ, bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng, ảnh hưởng đến thị lực sau này, cho nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
Để chủ động phòng bệnh, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… Bên cạnh đó, vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Ngoài ra, hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị đau mắt đỏ.
Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần được nghỉ học, nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người chung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.