Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) kiến tạo cơ hội để cả hai nước có những bước tiến vượt bậc trong kết nối đa lĩnh vực.
Từ đây, Việt Nam sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Israel và các thị trường lân cận khác những sản phẩm là thế mạnh của mình. Ở chiều ngược lại, hàng hóa và công nghệ của Israel sẽ có cơ hội tiếp cận với thị trường Việt Nam và nhiều nước trong khu vực.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ về những phát triển của Việt Nam và Israel trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. |
Phát biểu tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Israel, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ về những bước phát triển vượt bậc của quan hệ Việt Nam và Israel thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Việt Nam và Israel đồng hành cùng nhau trên nhiều lĩnh vực, cơ cấu mặt hàng hai nước có sự bổ sung lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp, vì vậy còn rất nhiều tiềm năng để đẩy mạnh thương mại song phương.
Lãnh đạo Bộ Công thương Việt Nam cũng cho biết, trong tương lai, phía Việt Nam tiếp tục tạo mọi thuận lợi theo quy định của pháp luật để kết nối các doanh nghiệp Israel tới tìm kiếm cơ hội đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel, ông Nir Barkat cũng chia sẻ tại diễn đàn. |
Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel, ông Nir Barkat cũng chia sẻ về tiềm năng hợp tác song phương giữa hai nước, đặc biệt là sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) được hai bên thống nhất và ký kết.
Người đại diện phía Israel cũng thay mặt các doanh nghiệp trong nước bày tỏ mong muốn tìm kiếm cơ hội phát triển trong nhiều lĩnh vực quan trọng mà các đơn vị có sự quan tâm.
Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) kiến tạo cơ hội để cả hai nước có những bước tiến vượt bậc trong kết nối đa lĩnh vực. |
Israel là quốc gia phát triển, có thế mạnh về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn vốn đầu tư… trong khi Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực và thế giới, nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP gần 410 tỷ USD, so với tiềm lực về khoa học công nghệ lẫn tài chính của Israel, những con số về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thời gian qua là rất ít và chưa tương xứng với tiềm năng.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Israel với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện cho Bộ Công thương, các Bộ, ngành liên quan và các Tập đoàn, doanh nghiệp hai nước mong muốn tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp Việt Nam và Israel. |
Điểm nhấn của Diễn đàn là chương trình giao thương doanh nghiệp Việt Nam-Israel tập trung vào các lĩnh vực chính như Nông nghiệp công nghệ cao, thiết bị và vật tư nông nghiệp, phân phối và nhập khẩu nông sản; công nghệ thông tin, an toàn thông tin và thiết bị y tế.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2021. Về đầu tư, lũy kế tới ngày 20/7, Israel có 40 dự án FDI tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư hơn 140 triệu USD, xếp thứ 47 trong tổng số 148 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Ngày 27/7/2023, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) đã chính thức được ký kết.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel là cơ hội để hai bên đẩy mạnh thương mại và đầu tư, hình thành hệ sinh thái kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp hai quốc gia. Việt Nam và Israel đang phấn đấu để nâng kim ngạch thương mại song phương đạt mục tiêu 3 tỷ USD trong thời gian tới.