Giá rét ở Mông Cổ và Trung Quốc

Gia súc chết do giá rét ở Mông Cổ. (Ảnh Reuters)
Gia súc chết do giá rét ở Mông Cổ. (Ảnh Reuters)

Mông Cổ đang hứng chịu đợt giá lạnh nhất trong 30 năm qua. Hai phần ba trong tổng số 21 tỉnh, thành phố của Mông Cổ bị những cơn bão tuyết lớn và khí hậu băng giá hoành hành từ tháng 12-2009 đến nay, nhiệt độ có lúc xuống âm 50oC, bị phủ bởi tuyết dày từ 20 đến 90 cm. Thời tiết giá lạnh đã làm hơn 1,7 triệu gia súc bị chết, trong đó chỉ riêng trong hai ngày 24 và 25-1 có 1,4 triệu gia súc chết. Chính phủ Mông Cổ dự báo số gia súc chết còn tiếp tục tăng, có thể tới 3-4 triệu con, do thời tiết giá rét còn kéo dài ít nhất đến tháng 3 hoặc tháng 4. Tổng thiệt hại tính đến đầu tháng 2 đã lên tới 62 triệu USD. Một phần ba số dân Mông Cổ sống nhờ chăn nuôi gia súc. Ðợt giá rét này đã khiến hàng nghìn người chăn nuôi di chuyển đến các khu nghèo khó gần Thủ đô Ulan Bator. Hơn 14.000 tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ châu Á đã tham gia việc vận chuyển lương thực, lều bạt và những vật dụng thiết yếu khác cho những người chăn nuôi vốn đã trở nên "trắng tay" do mất hết gia súc. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cho biết, cần hỗ trợ khẩn cấp sáu triệu USD cho những người chăn nuôi Mông Cổ.

Mùa đông đến sớm và lạnh bất thường khiến tuyết rơi dày ở nhiều nơi miền bắc Trung Quốc. Thời tiết khắc nghiệt khiến một số vùng đối mặt tình trạng thiếu năng lượng. Các tuyến đường bộ và đường sắt bị tắc nghẽn vì tuyết quá dày. Tại TP Bắc Kinh, tuyết rơi dày có nơi lên tới 37 cm, mức kỷ lục trong vòng 60 năm qua, trong khi nhiệt độ ngoài trời xuống âm 16oC, mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Hàng nghìn trường tiểu học và trung học ở hai TP Bắc Kinh và Thiên Tân đã phải đóng cửa, ảnh hưởng việc học tập của hàng triệu học sinh. Ngày 3-1, các sân bay Bắc Kinh, Thiên Tân, Hô-hốt (Khu tự trị Nội Mông) và Ðại Liên (tỉnh Liêu Ninh) đã đóng cửa do tuyết rơi quá dày khiến hàng chục nghìn người bị nhỡ chuyến bay.

Khu tự trị Tân Cương (tây bắc Trung Quốc) cũng trải qua đợt bão tuyết lớn nhất trong vòng 60 năm qua. Cuối tháng 1 vừa qua, một trận lở tuyết xảy ra ở quận Yi-li (dọc biên giới với Kazakhstan) khiến 14 người thiệt mạng, nâng tổng số người chết trong đợt rét đột ngột kéo dài hai tuần lên 27 người, hơn 600 người bị thương, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của 1,4 triệu người dân trong khu vực. Lớp tuyết dày ít nhất 20 cm bao phủ hơn 30 thành phố và thị trấn. Nhiều nơi tuyết dày tới 1m, trong khi nhiệt độ ngoài trời xuống âm 40oC, làm khoảng 22.000 ngôi nhà bị hư hại, 162.000 người dân phải sơ tán, gây thiệt hại khoảng 200 triệu nhân dân tệ (NDT) (29 triệu USD).

Tổng cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc cho biết, từ đầu tháng 1, dọc bờ biển Bột Hải và Hoàng Hải phía đông Trung Quốc đều bị băng bao phủ do nhiệt độ xuống dưới âm 10oC. Khoảng một nửa diện tích mặt biển Bột Hải đã bị đóng băng. Cơ quan này cho biết đang theo dõi sát diễn biến của tình trạng đóng băng khu vực 252 đảo có cư dân sinh sống trên biển Bột Hải. Nhiệt độ thấp đã làm tê liệt sáu hải cảng trên vùng biển này, cản trở hoạt động vận chuyển nhiên liệu, đặc biệt là than đá từ miền bắc xuống các tỉnh phía nam nước này. Mọi hoạt động đánh bắt cá, chăn nuôi thủy sản, vận tải biển và khai thác mỏ ở ngoài khơi vùng biển phía đông bắc các tỉnh Sơn Ðông, Liêu Ninh, Hà Bắc và TP Thiên Tân bị tê liệt. Hoạt động đánh bắt cá ở tỉnh Sơn Ðông bị thiệt hại nặng nề nhất trong 40 năm qua, với tổng thiệt hại ước tính lên đến hơn một tỷ NDT (146 triệu USD).

Theo các chuyên gia về khí tượng, nguyên nhân của tình trạng thời tiết giá lạnh bất thường tại nhiều khu vực ở bắc Bán cầu, trong khi lại mưa lớn ở nhiều khu vực tại nam Bán cầu, là do sự phân bố bất thường các dòng đối lưu trong bầu khí quyển Trái đất, hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cuối tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tới TP Ðáp Thành và An-tây, những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi băng tuyết ở Tân Cương, để chỉ đạo công tác cứu trợ. Chính phủ Trung Quốc đã chi 320 triệu NDT (47 triệu USD) hỗ trợ người dân trong vùng băng tuyết ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất nông nghiệp, xây dựng lại trường học và mua sắm các vật dụng cần thiết. Quân đội Trung Quốc đã sử dụng máy bay lên thẳng để phân phát nhu yếu phẩm cho người dân, tìm kiếm và cứu hộ những người mất tích. Chính phủ cũng chỉ thị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chủ động công tác phòng chống đối phó thời tiết giá lạnh, bảo đảm cuộc sống cho người dân và an toàn giao thông.

              TÔ MINH