Giá nông sản nhiều khả năng vẫn neo cao sau khi xung đột tại biển Đen kết thúc

NDO -

Từ khi xung đột tại khu vực biển Đen diễn ra, giá các mặt hàng nông sản trên Sở Giao dịch Chicago của Mỹ đều tăng vọt. Nếu như đà tăng vẫn được duy trì đối với ngô thì lúa mì lại là mặt hàng biến động rất mạnh. Điều này thể hiện rõ tâm lý bất ổn của thị trường cũng như dấy lên lo ngại rằng giá nông sản vẫn sẽ ở mức cao kể cả khi xung đột giữa Nga và Ukraine kết thúc.

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Dòng chảy ngũ cốc bị gián đoạn

Theo Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), tính từ đầu năm tới nay, giá hợp đồng kỳ hạn đối với ngô đã tăng 26%. Mặc dù giá dầu thô là tâm điểm của thị trường kể từ sau căng thẳng ở biển Đen nổ ra, nhưng lúa mì mới là mặt hàng bị ảnh hưởng nhất với mức tăng mạnh hơn 40% kể từ đầu năm. Đà tăng tập trung chủ yếu đầu tháng 3 khi giá lúa mì Chicago đã trải qua 5 phiên liên tiếp đóng cửa ở mức kịch trần. Theo Khối Quản lý Giao dịch MXV, giá trị giao dịch nhóm nông sản có lúc lên tới hơn 3.200 tỷ đồng/phiên. 

Giá nông sản nhiều khả năng vẫn neo cao sau khi xung đột tại biển Đen kết thúc -0

Nga và Ukraine là những quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Hai nước này chiếm khoảng 29% xuất khẩu lúa mì toàn cầu và 19% nguồn cung ngô. Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, các cảng tại khu vực biển Đen đã buộc phải đóng cửa và khiến hoạt động thương mại bị gián đoạn. Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga cũng đang khiến cho việc xuất khẩu hàng hóa của nước này gặp nhiều trở ngại.

Bắt đầu từ ngày 15/3 đến 30/6, Nga đã tuyên bố tạm ngừng xuất khẩu một số loại ngũ cốc bao gồm lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và ngô sang các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á Âu (EEU). Điều này dự kiến sẽ khiến nguồn cung bị thắt chặt trong ít nhất là 3 tháng tới. Trong khi đó, để giải quyết vấn đề xuất khẩu, Ukraine đã tổ chức vận chuyển nông sản bằng đường sắt một cách khẩn cấp. Tuy nhiên, năng lực logistics đường sắt của nước này vẫn còn rất hạn chế. Mỗi ngày, đường sắt của Ukraine chỉ có thể xuất khẩu 20.000 tấn, tương đương với 600.000 tấn mỗi tháng.

Điều này là không đủ so với tiềm năng của Ukraine trong năm nay. Không chỉ có vậy, những lo ngại về khả năng thông quan cũng khiến vấn đề vận chuyển ngũ cốc trở nên khó khăn hơn. Với tình hình xuất khẩu không được khả quan như hiện tại, nguồn cung ngũ cốc tại biển Đen nhiều khả năng vẫn sẽ bị gián đoạn nếu như xung đột giữa Nga và Ukraine không đi đến hồi kết.

Triển vọng sản xuất nông nghiệp năm 2022

Nguồn cung nông sản trong giai đoạn tới chắc chắn sẽ là mối quan tâm mà không chỉ các nhà đầu tư trên thị trường hàng hóa mà còn là những quốc gia nhập khẩu lớn như Việt Nam.

Gián đoạn nguồn cung do không xuất khẩu được mới chỉ là những ảnh hưởng trong ngắn hạn. Trong vài tuần tới, Ukraine sẽ bắt đầu gieo trồng cho vụ mới và dự kiến sẽ trồng được 50% diện tích vụ xuân. Trong khi đó, khoảng 30% diện tích sẽ không trồng được và 20% diện tích chưa thể dự đoán trước. Các vấn đề liên quan đến logistics cũng kéo theo tình trạng các nông trại thiếu hạt giống, phân bón và thuốc diệt cỏ.

Một quốc gia xuất khẩu nông sản lớn khác là Mỹ cũng đang chuẩn bị bước vào giai đoạn gieo trồng cho mùa vụ 2022. Giá phân bón toàn cầu đang tăng phi mã do sản lượng sụt giảm cũng ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định gieo trồng sắp tới. Mặc dù không phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga nhưng giá phân bón tăng lên đồng nghĩa với chi phí sản xuất cũng leo thang. Điều này sẽ khiến cho nông dân mất đi động lực mở rộng sản xuất và không thể bù đắp cho phần sản lượng bị thiếu hụt ở Ukraine.

Giá nông sản nhiều khả năng vẫn neo cao sau khi xung đột tại biển Đen kết thúc -0

Theo MXV, ngay cả khi xung đột ở Biển Đen kết thúc, những ảnh hưởng kéo theo đó trong dài hạn cũng có thể khiến nguồn cung nông sản tiếp tục thắt chặt và ngành chăn nuôi nước ta sẽ phải chịu thêm áp lực về chi phí nhập khẩu nguyên liệu.