Giả mạo hồ sơ vay vốn ngân hàng

NDĐT - Chỉ vì hám lời, ba cán bộ, giáo viên trường tiểu học Tề Lễ, huyện Tam Nông giả mạo 54 bộ hồ sơ vay trót lọt tới 540 triệu đồng bất chính, gây dư luận xấu trong ngành giáo dục và nhân dân. Cả nhà trường và ngân hàng đều bộc lộ những lỗ hổng nguy hiểm về quản lý tài chính lẫn quản lý con người.

Ngày 28-5, cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ kết thúc điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT huyện Tam Nông, khởi tố bốn đối tượng về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau khi Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Phú Thọ có chủ trương cho các Chi nhánh ngân hàng nông nghiệp cơ sở trong tỉnh cho vay đời sống đối với giáo viên thuộc biên chế Nhà nước đến 10 triệu đồng, không phải bảo đảm bằng tài sản và thực hiện thu nợ từ lương, phụ cấp và các khoản thu nhập khác; Phòng Giao dịch Cổ Tiết là đơn vị trực thuộc Ngân hàng NN và PTNT huyện Tam Nông (Phú Thọ) tiến hành thực hiện chủ trương nói trên. Biết được chủ trương này, hai giáo viên Lê Thị Thu Oanh, Bùi Thị Khải và Trần Thị Hữu, văn thư kiêm kế toán trường tiểu học Tề Lễ bàn bạc, thống nhất làm hồ sơ giả để vay tiền theo chế độ vay đối với hộ giáo viên để tiêu xài và trả nợ cá nhân.

Thông qua người thân quen ở các huyện Tam Nông, Thanh Sơn, Yên Lập và Thanh Ba (Phú Thọ), Oanh, Khải và Hữu mượn 54 chứng minh nhân dân (CMND) của họ mặc dù những người này không phải là giáo viên của trường để làm hồ sơ vay vốn. Lý do mượn CMND được lý giải khá thuyết phục là “hiện nay ở trường cho vay vốn xoá đói giảm nghèo, mỗi giáo viên được vay từ 1- 2 triệu đồng không cần phải bảo đảm bằng tài sản với mức lãi suất thấp cho vay dài hạn.

Vì một số giáo viên đi vắng không vay nên mượn CMND để vay vào tiêu chuẩn của những người này, ai muốn vay ké cũng được. Mượn xong, cả ba đến Phòng Giao dịch Cổ Tiết gặp Nguyễn Thị Lịch, cán bộ tín dụng phụ trách cho vay tại địa bàn xã Tề Lễ và đặt vấn đề mua 54 hồ sơ làm thủ tục vay tiền, với lý do nhiều giáo viên muốn vay để mua xe máy phục vụ công tác.

Ngay sau đó, Oanh, Khải và Hữu tìm gặp những người cho mượn CMND nhờ họ ký khống chỉ vào giấy đề nghị vay vốn và hợp đồng khống chỉ vào bộ hồ sơ vay vốn rồi tự viết tên, nghề nghiệp những người cho mượn CMND nói trên coi như họ là giáo viên trường tiểu học Tề Lễ và có hộ khẩu ở xã Tề Lễ.

Tinh vi hơn, cả ba còn tự nghĩ và ký giả mạo tên người thừa kế, giả mạo chữ ký hiệu trưởng và hiệu phó vào mục xác nhận của nhà truờng, lấy trộm con dấu trường đóng vào các bộ hồ sơ làm giả này. Có hồ sơ, các đối tượng viện lý do không biết viết nội dung hồ sơ sợ bị hỏng, nhờ hiệu trưởng ký khống chỉ để vay vốn ngân hàng.

Nhận hồ sơ, Nguyễn Thị Lịch không tiến hành điều tra, thẩm định hồ sơ vay vốn theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, mà ký xác nhận cho 54 hồ sơ nói trên có đủ điều kiện vay vốn với tổng số tiền 540 triệu đồng, rồi chuyển cho bộ phận nghiệp vụ phòng giao dịch Cổ Tiết xét duyệt cho vay.

Khi ngân hàng thông báo và đề nghị những người đứng tên trên khế ước đến nhận tiền vay, Oanh, Khải, Hữu đưa những người có tên trong CMND đến phòng giao dịch nhờ họ ký tên vào các chứng từ của ngân hàng để nhận tiền, sau đó yêu cầu họ đưa lại toàn bộ số tiền đã vay.

Toàn bộ 540 triệu đồng vay được, các đối tượng chia nhau sử dụng trong đó, Oanh 337 triệu đồng, Khải 117 triệu đồng, Hữu 42 triệu đồng; còn lại 44 triệu đồng cho 24 người cho mượn CMND vay ké và yêu cầu họ phải trả lãi và gốc khi đến hạn.

Với thủ đoạn tinh vi nói trên, các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt trót lọt suốt ba năm liền mà không bị phát hiện. Hành vi gian lận chỉ bị phanh phui khi Chi nhánh ngân hàng NN&PTNT huyện Tam Nông kiểm tra các món vay tại địa bàn và cơ quan điều tra vào cuộc thì hành trình những bộ hồ sơ vay vốn khống mới dần lộ diện.

Thủ đoạn gian lận, làm giả hồ sơ vay vốn xảy ra ở nhiều nơi, tuy nhiên trong vụ án này, đáng buồn thủ phạm lại là các cô giáo biến chất, có sự bàn bạc thống nhất cao tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Vụ án tiếp tục cảnh báo về kẽ hở thẩm định, quản lý vay vốn của ngân hàng.