Theo đó, chỉ số giá lương thực của FAO (FFPI), đo lường biến động hàng tháng của giá cả rổ hàng hóa thực phẩm trên toàn cầu, đạt trung bình 135,7 điểm trong tháng trước, cao hơn 1,5 điểm (1,1%) so với mức 134,1 điểm vào tháng 12/2021.
Việc chỉ số FFPI trong tháng 1 tăng trở lại là do mức tăng cao chưa từng có của dầu thực vật, đạt trung bình 185,9 điểm trong tháng 1, tăng 7,4 điểm (4,2%) so với tháng trước. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu của mặt hàng này giảm và các hạn chế khác từ phía nguồn cung, đặc biệt là tình trạng thiếu lao động và thời tiết bất lợi.
Giá sữa cũng góp phần thêm vào việc đẩy FFPI tăng. Theo đó, chỉ số giá sữa của FAO đạt trung bình 132,1 điểm trong tháng 1, tăng 3,1 điểm (2,4%) so tháng 12/2021, đánh dấu mức tăng trong tháng thứ năm liên tiếp, với giá sữa bột gầy và bơ tăng mạnh nhất.
Trong khi đó, các chỉ số về giá thịt và ngũ cốc hầu như không thay đổi, với chỉ số giá ngũ cốc chỉ tăng 0,1%, trong đó ngô tăng 3,8% do lo ngại về tình trạng hạn hán kéo dài ở Nam Mỹ. Ngược lại, giá lúa mì thế giới giảm 3,1% do nguồn cung tăng khi Australia và Argentina vào vụ thu hoạch.
Giá thịt tăng nhẹ trong tháng 1, đạt trung bình 112,6 điểm trong tháng 1, tăng nhẹ so với tháng 12/2021. Trong khi đường là chỉ số duy nhất giảm, với mức giảm 3,1% so với tháng trước, đánh dấu mức giảm trong tháng thứ hai liên tiếp và là mức thấp nhất trong 6 tháng qua, một phần do sản xuất thuận lợi tại các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ và Thái Lan.
Giá lương thực cao hơn góp phần làm tăng lạm phát trên diện rộng trong bối cảnh các nền kinh tế đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19. FAO cũng đã cảnh báo rằng, chi phí thực phẩm tăng đang khiến người dân trong nhóm nghèo hơn gặp rủi ro ở các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực.