Giá lương thực thế giới: Hiệu ứng dây chuyền

Giá lương thực thế giới đã lên mức cao nhất trong lịch sử 61 năm kể từ khi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) giới thiệu Chỉ số giá lương thực. Trong bối cảnh nhiều nước còn đang chật vật chống đói nghèo và khắc phục hậu quả dịch bệnh, xung đột và căng thẳng địa chính trị lại đẩy kinh tế thế giới trước những rủi ro khôn lường.

 Giá lương thực thế giới tăng đáng kể. (Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN)
Giá lương thực thế giới tăng đáng kể. (Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN)

Theo số liệu của FAO, Chỉ số giá lương thực trong tháng 2 vừa qua lên 140,7 điểm, cao hơn 3,9% so mức tháng trước đó và hơn 24,1% so với cùng kỳ năm 2021. Không những thế, chỉ số này còn cao hơn 2% so với mức cao nhất mà FAO từng xác nhận hồi tháng 2/2011. Trong đó, giá ngũ cốc đã tăng 3% so với tháng trước đó, do những quan ngại về nguồn cung bởi cả Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu lúa mì lớn của thế giới. Trong khi đó, giá dầu thực vật tăng tới 8,5%, giá sữa tăng 6,4% và giá thịt tăng 1,1%.

Ukraine và Nga vốn được xem là “rổ bánh mì” của cả thế giới. Là nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, Nga cung cấp hơn 25% lượng lúa mì xuất khẩu của toàn cầu, gần 20% lượng ngô và 12% lượng giao dịch tất cả các loại ngũ cốc trên thế giới. Bởi thế, không khó hiểu khi xung đột Nga-Ukraine leo thang khiến giá lương thực đồng loạt tăng lên những mốc cao mới.

Giá lương thực tăng đồng nghĩa hàng trăm triệu người trên thế giới càng chật vật hơn để có được bữa ăn qua ngày. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) ước tính, khoảng 13 triệu người sinh sống tại Kenya, Somalia và Ethiopia đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng, khi vùng Sừng châu Phi trải qua trận hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Số liệu của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) cũng cho thấy, khoảng 86 triệu người dân khu vực này, con số cao nhất ghi nhận trong 27 năm qua, đang đối mặt tình trạng nghèo cùng cực sau hai năm chật vật ứng phó đại dịch Covid-19.

Oxford Economics dự đoán, các biện pháp trừng phạt có thể làm “bốc hơi” tới 6% GDP của Nga, nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Tuy nhiên, rủi ro kinh tế không chỉ là riêng của Moskva. Ðại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell (G.Bô-ren) từng cảnh báo, EU cũng cần chuẩn bị ứng phó tác động ngược lại từ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Với các biện pháp trả đũa từ Nga, EU có thể phải “trả cái giá lớn hơn nhiều” trong tương lai.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) dự đoán, xung đột tại Ukraine có thể khiến GDP của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm khoảng 0,3 đến 0,4 điểm phần trăm trong năm 2022. Ủy ban châu Âu (EC) nhận định, việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine có thể khiến mức dự báo tăng trưởng 4% cho khu vực này trở nên không chắc chắn. Capital Economics cho rằng, lạm phát tại Eurozone sẽ chạm mức 6% trong những tháng tới, vượt xa mục tiêu kiềm chế dưới 2%.

Nga cung cấp 10% lượng dầu toàn cầu và 40% lượng khí đốt cho châu Âu. Nga là nhà xuất khẩu phân bón, nhà sản xuất nickel và palladium hàng đầu, cũng là nước xuất khẩu thép và than đá lớn thứ 3, nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 5 thế giới. Rõ ràng, trước sức ép cấm vận, nguồn cung từ Nga hạn chế có thể khiến chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã “chỗ nghẽn, chỗ thông” trong hơn 2 năm đại dịch lại càng rối ren.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, nếu xung đột tại Ukraine leo thang, không chỉ sự khan hiếm và gián đoạn nguồn cung trở nên nghiêm trọng với các quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Ukraine và Nga, mà còn gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu, các cú sốc về giá hàng hóa gây tác động lớn, đặc biệt là đối với các hộ gia đình nghèo.

“Hiệu ứng cánh bướm” được nhà khí tượng học Edward Lorenz (E.Lo-ren) công bố năm 1969 với câu nói nổi tiếng: Chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas. Khi mức độ liên kết, ràng buộc giữa các nền kinh tế ngày càng chặt chẽ, biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm vào một nước có thể kéo theo tác động chưa có tiền lệ đến nước khác và đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu.