Giá ngô tăng mạnh, vượt khoảng đi ngang 3 tháng
Khép lại ngày giao dịch 19/10, giá ngô đã tăng mạnh hơn 2,6% và vượt lên trên khoảng đi ngang 185-196 USD/tấn đã kéo dài trong gần 3 tháng vừa qua. MXV cho biết lo ngại về nguồn cung toàn cầu đã giúp giá ngô bật tăng trong cuối phiên và đẩy giá lên mốc cao nhất kể từ 2/8.
Cụ thể, trong báo cáo Cung cầu ngũ cốc thế giới tối qua, Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) đã cắt giảm dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 23/24 xuống còn 1,219 tỷ tấn do sự sụt giảm từ Mỹ và Brazil. Hơn nữa, FAO đã cảnh báo rằng hiện tượng El Nino sẽ kéo dài ít nhất cho đến nửa đầu năm 2024 ở châu Mỹ Latinh với dự báo thời tiết khô hạn ở khu vực Trung Mỹ và Brazil.
Báo cáo của tổ chức này cũng chỉ ra rằng các chính phủ trong khu vực phải cảnh giác với mối đe dọa có thể xảy ra đối với nông nghiệp bởi con số thiệt hại có thể lên tới 82% trong trường hợp hạn hán.
Một tổ chức nông nghiệp khác, ANEC cho biết hạn hán nghiêm trọng đã hạn chế lượng ngũ cốc được vận chuyển bằng sà lan tới các cảng phía Bắc Brazil. Có thể thấy, thời tiết bất lợi đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và đe dọa sản lượng mùa vụ năm nay của nhà cung cấp hàng đầu thế giới. Đây là thông tin đã hỗ trợ mạnh mẽ cho giá ngô.
Tương tự như ngô, giá lúa mì cũng tăng vọt hơn 2%, đồng thời đóng cửa tại mức giá cao nhất trong vòng một tháng qua. Yếu tố nguồn cung cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến diễn biến giá lúa mì trong phiên hôm qua.
StoneX mới đây đã hạ dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2023/24 của Brazil xuống còn 10,5 triệu tấn, giảm 5,9% so với ước tính đưa ra hồi tháng 9. Điều này kéo theo dự báo xuất khẩu lúa mì của Brazil giảm xuống 1,86 triệu tấn so với mức dự báo trước đó.
Ở một diễn biến khác, Ukraine ghi nhận thiệt hại của ngành ngũ cốc và hạt có dầu lên tới hơn 3,2 tỷ USD trong năm nay. Tuy đây không phải là thông tin bất ngờ nhưng điều này đe dọa làm giảm diện tích gieo trồng trong những vụ mới của nước này, đồng thời càng củng cố lo ngại về nguồn cung từ một trong những nhà xuất khẩu lương thực quan trọng thế giới.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (19/10), giá ngô Nam Mỹ về cảng Việt Nam tiếp tục được điều chỉnh tăng. Cụ thể, tại Cảng Cái Lân, giá chào ngô Nam MỸ lên mức 6.900 đồng/kg đối với kỳ hạn giao tháng 12 năm nay và quý I năm sau. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán thấp hơn 150 đồng/kg so với cảng Cái Lân.
Robusta tăng liên tiếp 6 ngày, Arabica lên mức cao nhất hai tháng
Đóng cửa ngày giao dịch 19/10, bất chấp sự mạnh lên của dầu thô, giá đường 11 tiếp tục có sự suy yếu với mức giảm 0,69% trong phiên hôm qua. Thông thường, giá dầu thô tăng sẽ kích thích các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho chiết xuất ethanol. Điều này gián tiếp khiến sản lượng đường thu hẹp, từ đó hỗ trợ giá tăng.
Giá dầu cọ đã quay đầu giảm trong phiên hôm qua do hoạt động chốt lời của thị trường, đóng cửa giá giảm 1,36% so với tham chiếu. Một thương nhân có trụ sở tại Kuala Lumpur cho biết: “Có vẻ thị trường đang chốt lời sau mức tăng mạnh gần đây”. Các dữ liệu về tình hình nguồn cung dầu cọ từ Malaysia vẫn đang tương đối tích cực. Cơ quan khảo sát hàng hóa Societe Generale de Surveillance (SGS) ước tính xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong 15 ngày đầu tháng 10 của Malaysia ở mức 665.876 tấn.
Ở chiều ngược lại, giá bông ghi nhận sự tăng nhẹ 0,04% trong phiên hôm qua nhờ hỗ trợ từ sự suy yếu của đồng USD vào phiên tối và dữ liệu bán hàng bông Mỹ cải thiện so với tuần trước. Chỉ số Dollar Index giảm sâu vào phiên tối, đồng nghĩa với việc đồng USD yếu đi và giá bông Mỹ rẻ hơn với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Điều này tạm thời kích thích lực mua bông trên thị trường, từ đó hỗ trợ giá hồi phục sau khi suy yếu trong phiên sáng.
Thêm vào đó, dữ liệu từ báo cáo bán hàng xuất khẩu bông của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, bán hàng bông Mỹ trong tuần kết thúc ngày 12/10 đã đạt 71.300 kiện, tăng 64% so với dữ liệu thấp kỷ lục vào tuần trước. Trong khi, xuất khẩu hồi phục với tốc độ chậm hơn khi chỉ tăng 6% so với dữ liệu trong báo cáo trước, lên 109.900 kiện bông.
Tâm điểm chú ý thị trường hướng về hai mặt hàng cà phê. Đóng cửa, giá Arabica tăng mạnh gần 4%, lên mức cao nhất trong hơn hai tháng. Đồng thời, giá Robusta nối dài đà tăng sang phiên thứ 6 liên tiếp với mức tăng gần 3% so với tham chiếu. Lo ngại vấn đề nguồn cung gặp trở ngại đang là nguyên nhân chính hỗ trợ đà tăng cho cả hai mặt hàng cà phê.
Trong báo cáo kết phiên 19/10 của Sở ICE, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đã giảm mạnh 10.158 bao, xuống còn 421.614 bao. Đây là tổng mức Arabica lưu trữ thấp nhất từng được ghi nhận từ ngày 7/11/2022.
Bên cạnh đó, tình hình nguồn cung cà phê trong 9 tháng đầu năm 2023 kém khả quan tại Colombia cũng làm tăng lo ngại về khả năng đáp ứng đủ cà phê ở hiện tại khi bán cà phê vụ mới đang ở mức thấp và khâu vận chuyển gặp khó khăn tại Brazil.
Theo Liên đoàn Những người trồng cà phê Colombia, tổng sản lượng và xuất khẩu cà phê trong 9 tháng đạt lần lượt 7,68 triệu bao và 7,48 triệu bao, giảm 5,7% và 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, hãng tư vấn Safras & Mercado cho biết nông dân Brazil mới bán 56% cà phê niên vụ 2023/24, thấp hơn mức 60% trong cùng thời điểm năm ngoái và 59% mức trung bình lịch sử.
Đồng thời, theo nguồn tin từ Reuters, các nhà xuất khẩu đang báo cáo sự chậm trễ trong những chuyến hàng cà phê tại Brazil do thiếu xe tải và container trong khi thời gian chờ đợi cho hàng lên tàu cũng tăng vọt.
Riêng với thị trường Robusta, xuất khẩu tiếp tục ảm đạm tại Việt Nam trong khi hoạt động thu hoạch cà phê vụ mới đứng trước lo ngại bị ảnh hưởng xấu bởi thời tiết đang cùng tạo nên hỗ trợ kép với giá.
Dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê trong 15 ngày đầu tháng 10 chỉ đạt 17.838 tấn, giảm 27% so với nửa đầu tháng 9 và 55% so với cùng kỳ năm 2022.
Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt hồi phục mạnh khoảng 1.200 đồng. Sau 4 ngày tăng liên tiếp, giá cà phê trong nước bất ngờ giảm sốc hơn 7.000 đồng/kg trong ngày hôm qua, xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Hiện cà phê nội địa được thu mua quanh mức 57.600-58.400 đồng/kg, thấp hơn gần 13% so với giá giao dịch hồi đầu tháng 10.