Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều

NDO - Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến giằng co trong ngày hôm qua (4/5) kéo sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá. Tuy nhiên lực mua có phần chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index đảo chiều tăng nhẹ 0,12% lên 2.184 điểm, chấm dứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp, thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều ảnh 1

Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư có sự dịch chuyển mạnh mẽ đến nhóm nguyên liệu công nghiệp. Kết thúc phiên, giá trị giao dịch tính riêng nhóm này đã tăng vọt lên 1.823 tỷ đồng, chiếm đến 38,8% tổng khối lượng của toàn thị trường; từ đó nâng giá trị giao dịch toàn Sở tăng mạnh 41,7%, đạt gần 4.700 tỷ đồng.

Nhu cầu bông hồi phục thúc đẩy giá tăng kịch trần

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/5, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý là giá bông tăng kịch trần nhờ dữ liệu bán hàng, xuất khẩu tích cực tại Mỹ.

Dẫn đầu đà tăng của nhóm trong phiên hôm qua chính là giá bông giao dịch hợp đồng tháng 7, với mức 3,81%, mức tăng trong phiên mạnh nhất kể từ cuối tháng 11 năm 2022. Nhu cầu về bông được cải thiện đã hỗ trợ giá bông lấy lại sắc xanh.

Theo báo cáo xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA trong tuần kết thúc ngày 4/5, bán hàng ròng bông Mỹ tăng lên mức 231.300 kiện, cao hơn 19% so với tuần trước và 65% so với trung bình 4 tuần. Cùng với đó, xuất khẩu tăng nhẹ 4% lên 414.000 kiện với điểm đến là các quốc gia nhập khẩu hàng đầu như Trung Quốc và Việt Nam. Điều này phần xoa dịu những lo ngại về việc sự hồi phục nhu cầu bông chưa được như kỳ vọng trước đó, từ đó thúc đẩy giá bông giao dịch tăng mạnh trong phiên hôm qua.

Theo sau sự bật tăng của bông là mức tăng 1,39% của đường 11 khi thị trường quay lại nhìn nhận vấn đề về thu hẹp sản lượng tại các quốc gia sản xuất hàng đầu.

Trong khi thị trường yên ắng với những thông tin cơ bản mới, những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung quay trở lại tác động lên diễn biến giá. Một loạt các quốc gia sản xuất lớn như Ấn Độ, Trung Quốc hay Liên minh châu Âu đều đưa ra dự báo sản lượng ở mức thấp so với các niên vụ trước đó. Điều này đã tạo hỗ trợ cho giá đường 11 tiếp tục tăng trong phiên hôm qua.

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều ảnh 2

Ở chiều ngược lại, giá cà-phê Arabica đi ngược chiều với phần đa các mặt hàng trong nhóm khi giảm 1,37% so với mức tham chiếu. Bên cạnh sức ép từ nguồn cung, giá cà-phê chịu thêm áp lực mới từ tình hình kinh tế vĩ mô ảm đạm.

Lo ngại về suy thoái kinh tế tại các thị trường tiêu thụ cà-phê hàng đầu thế giới như Mỹ và châu Âu, làm gia tăng kịch bản cắt giảm chi tiêu với các loại hàng hóa không thiết yếu như cà-phê, đặc biệt là mặt hàng với giá thành cao như Arabica. Đây chính là nhân tố dẫn tới nhu cầu tiêu thụ cà-phê sẽ suy yếu, từ đó gây sức ép khiến giá giảm.

Cùng với đó, triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ 2023/34 tại Brazil và Colombia, được đánh giá bởi giới phân tích, cũng phần nào gây sức ép khiến giá cà-phê suy yếu trong phiên hôm qua.

Robusta hợp đồng tháng 7 cũng ghi nhận mức giảm 0,5% khi thị trường đặt niềm tin vào mùa vụ bội thu tại Brazil. Sản lượng dự kiến ở mức cao so với các niên vụ trước đang được các nhà quan sát nhân định về cà-phê Robusta niên vụ 2023/24 tại Brazil, nhờ tiến độ thu hoạch tốt, đã gây sức ép lên giá. Tuy vậy, tồn kho gần như cạn kiệt tại các quốc gia sản xuất khác như Việt Nam và Indonesia đã phần nào hạn chế đà giảm.

Giá sắt mất mốc 100 USD/tấn

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/5, thị trường kim loại quý ghi nhận những diễn biến trái chiều. Cụ thể, giá bạc tăng 2,13% lên 26,23 USD/ounce. Trong khi đó, bạch kim giảm 1,08% xuống 1.050,30 USD/ounce.

Yếu tố chính thúc đẩy đà tăng của giá bạc vẫn đến từ vai trò trú ẩn an toàn vượt trội khi dòng tiền rời khỏi các thị trường đầu tư rủi ro như thị trường chứng khoán. Lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng thúc đẩy dòng tiền phân bổ vào nhóm kim loại quý trong bối cảnh áp lực lãi suất cao trên toàn cầu.

Tiếp nối Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tiếp tăng lãi suất cho vay thêm 25 điểm cơ bản. Việc FED phát ra tín hiệu sẽ chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất trong khi các Ngân hàng Trung ương khác vẫn phải thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát khiến cho triển vọng tăng giá của USD không còn nhiều. Vì thế, ngay cả khi chỉ số Dollar Index hồi phục nhẹ lên 101,4 điểm, giá vàng và bạc cũng không chịu sức ép quá lớn.

Trái lại, giá bạch kim sụt giảm, khi vai trò trú ẩn yếu hơn so với vàng và bạc. Bên cạnh đó, triển vọng tiêu thụ bạch kim cũng bị ảnh hưởng khi lo ngại chi phí tín dụng tăng, và tăng trưởng kinh tế chậm sẽ khiến doanh số bán ô-tô suy yếu. Phần lớn nhu cầu tiêu thụ bạch kim mỗi năm được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất ô-tô, nên bức tranh tiêu thụ kém sắc hiện nay đã lấn át các rủi ro về nguồn cung sụt giảm tại Nam Phi, và khiến cho sức ép bán gia tăng.

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều ảnh 5

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng lấy lại sắc xanh trong một phiên giao dịch giằng co với mức tăng nhẹ 0,47% lên 3,86 USD/pound. Thị trường hiện vẫn đặt dấu hỏi đối với triển vọng tiêu thụ đồng. Mặc dù nhu cầu tiêu thụ trong lĩnh vực xây dựng tăng trưởng vẫn chưa đạt được kỳ vọng, nhưng nhu cầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như sản xuất xe điện vẫn sẽ tăng trưởng trong năm nay.

Ủy ban Đồng Chile (Cochilco) mới đây đã nâng dự báo về giá đồng trung bình vào năm 2023 lên 3,9 USD/pound, cao hơn so với ước tính hồi tháng 1 là 3,85 USD. Giá sau đó sẽ giảm nhẹ về 3,8 USD trong năm 2024. Theo Cochilco, thị trường đồng tinh chế thế giới sẽ thâm hụt 67.000 tấn trong năm nay, dựa trên dự báo nhu cầu toàn cầu đạt 25,74 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm trước. Trong khi đó, nguồn cung đồng toàn cầu thấp hơn trong năm nay, do hoạt động tại các dự án trọng điểm bị gián đoạn sử dụng và sản lượng thấp hơn tại một số mỏ của Chile. Cochilco cho biết thêm, vào năm 2024, thị trường sẽ chuyển sang mức dư thừa 396.000 tấn.

Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt đánh mất mốc 100 USD với mức giảm 1,82% về 99,44 USD/tấn. Giá sắt vẫn đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022, và đã giảm gần 25% so với mức cao nhất được thiết lập vào tháng 3 vừa qua. Sức ép kép từ việc lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vẫn chưa khởi sắc, cùng với việc sản lượng thép có thể tiếp tục bị hạn chế để bảo vệ môi trường là nguyên nhân chính làm suy yếu giá quặng sắt trong thời gian gần đây.

Tồn kho ngành thép tăng nhẹ trong quý đầu năm

Sau hai quý sụt giảm mạnh liên tiếp, tồn kho toàn ngành thép đã tăng nhẹ trở lại sau quý đầu năm nay. Tổng lượng tồn kho (đã bao gồm dự phòng giảm giá) của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán cuối quý 1 ước tính vào khoảng 68.000 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ so với thời điểm cuối năm ngoái.

Trong bối cảnh chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép giảm, nhu cầu suy yếu, giá thép trên thế giới và tại Việt Nam đã có dấu hiệu đảo chiều và bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 4 đến nay. Giá thép thanh vằn tại Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2022.

Theo xu hướng đó, giá một số loại thép trong nước cũng đã giảm khoảng 1 triệu đồng/tấn trong một tháng qua. Đối với thép Hòa Phát, sau lần giảm mới nhất vào ngày 27/4, hiện giá thép cuộn CB240 chính thức thấp hơn hồi đầu năm 40.000 đồng/tấn, giao dịch ở mức 14,9 triệu đồng/tấn. Thép cây D10 CB300 chỉ còn cao hơn 370,000 đồng/tấn so với mức giá đầu năm 2023.

Nếu giá thép tiếp tục duy trì xu hướng giảm giá, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực thép đã thực hiện chiến lược tăng tích trữ tồn kho. Trong đó, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại. Tuy nhiên, mức độ có thể không lớn như giai đoạn tồn kho cao kỷ lục giữa năm ngoái.