Cà-phê Robusta tăng mạnh 6%
Kết thúc tuần giao dịch 20/3-26/3, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp chứng kiến sự phân hóa giữa 2 sắc xanh và đỏ. Trong đó, hai mặt hàng cà-phê đồng loạt đón nhận lực mua rất tích cực.
Arabica hợp đồng tháng 5 khởi sắc sau 3 tuần giảm liên tiếp với mức tăng 1,50%, tuy vậy diễn biến trong tuần khá biến động do tác động từ việc nguồn cung chưa chắc chắn tại Brazil.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York giảm liên tiếp 5 phiên với 28.475 bao, về mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12/2022, trong khi hoạt động xuất khẩu tại Brazil đang dần hồi phục nhưng chưa thực sự ổn định với tổng lượng hàng đẩy đi trong 24 ngày đầu tháng 3/2023 đạt 2,22 triệu bao, tăng mạnh so với mức 1,78 triệu bao của cùng kỳ tháng trước nhưng vẫn kém xa mức 3,31 triệu bao của tháng 3/2022. Chính điều này đã hỗ trợ giá Arabica hồi phục nhẹ trong tuần qua.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Brazil quyết định giữ nguyên mức lãi suất cao, ở mức 13,75% và lạm phát trên cơ sở hằng tháng ở mức 0,69%, cao hơn so với mức 0,65% dự kiến, củng cố lập trường “diều hâu”. Điều này khiến đồng Real bật tăng mạnh, kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real giảm sâu phiên cuối tuần, từ đó hạn chế nhu cầu bán hàng của nông dân nước này và góp phần thúc đẩy đà tăng cho giá Arabica.
Trong khi đó, cà-phê Robusta hợp đồng tháng 5 bật tăng mạnh hơn 6% sau 2 tuần giảm liên tiếp trước đó khi thị trường lo ngại nông dân vẫn chưa thực sự đẩy mạnh việc bán hàng.
Theo đó, các chuyên gia nhận định, dù nguồn cung đã được nới lỏng hơn khi Indonesia đang thu hoạch và Brazil chuẩn bị thu hoạch vào 1-2 tuần tới, nhưng trên thị trường nông dân có vẻ chưa sẵn sàng với việc đẩy hàng do ảnh hưởng từ sản lượng thấp của năm trước. Chính điều này đã hỗ trợ sự bật tăng của Robusta, đặc biệt là phiên cuối tuần với mức tăng hơn 3% so với mức tham chiếu.
Đường thô hợp đồng tháng 5 ghi nhận một tuần giao dịch khá phân hóa, đóng cửa giá tăng nhẹ 0,73%. Sự trái chiều về nguồn cung tại các quốc gia cung ứng hàng đầu là nguyên nhân chính tạo nên thế trận giằng co trong tuần qua.
Theo đó, thị trường vẫn tiếp tục lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung do các nhà máy sản xuất đường tại Ấn Độ và Thái Lan ngừng sản xuất sớm hơn bình thường, kéo theo sản lượng suy yếu so với các năm trước. Trong khi đó, việc sản lượng dự kiến nới lỏng tại Brazil với khoảng 5 triệu tấn mía trong nửa cuối tháng 3, cao gấp 5 lần so cùng kỳ năm ngoái, lại tạo ra làn sóng an tâm trên thị trường, từ đó gây sức ép, khiến sự biến động giá so với tuần trước được thu hẹp lại.
Ở chiều ngược lại, bất chấp nhu cầu nhập khẩu bông đã hồi phục trong thời gian gần đây, giá mặt hàng này vẫn giảm 1,66%, khiến bông hợp đồng tháng 5 mang sắc đỏ trong 4 tuần liên tiếp.
Theo báo cáo bán hàng bông của Mỹ, tính đến ngày 16/3, đã có 310.200 kiện bông được bán trong tuần với nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh từ các nước nhập khẩu chính như Việt Nam, Trung Quốc. Điều này cho thấy dấu hiệu về sự phục hồi trong nhu cầu tiêu thụ và theo lẽ thường sẽ là nhân tố thúc đẩy giá bông khởi sắc.
Dầu cọ thô ghi nhận một tuần lao dốc với mức giảm tới 10,41% so với mức tham chiếu. Bất chấp việc xuất khẩu vẫn tăng mạnh và tồn kho ở mức thấp, giá dầu cọ thô trong tuần qua chịu áp lực từ sự suy yếu từ các loại dầu khác như dầu đậu tương và dầu hướng dương.
Giá đồng cao nhất 1 tháng
Thị trường kim loại quý kết thúc một tuần giao dịch đầy tích cực với giá bạc tăng 3,9% lên 23,34 USD/ounce, giá bạch kim tăng nhẹ 0,54% lên 983,9 USD/ounce.
Trong tuần qua, tin tức ảnh hưởng mạnh nhất đến nhóm kim loại quý là nội dung cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Cụ thể, các nhà chức trách đã tiến hành tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 4,75-5,0%. Mức lãi suất đỉnh của năm nay được dự báo là 5,1%, điều này đồng nghĩa với việc sẽ không còn đợt tăng lãi suất nào khác trong năm nay. Thông tin này cũng khiến cho đồng USD suy yếu và hỗ trợ cho giá kim loại quý. Chỉ số Dollar Index đóng cửa tuần giảm về 103,12 điểm.
Bên cạnh đó, những rủi ro trên thị trường tài chính vẫn còn cao, và thúc đẩy các nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục vào các loại tài sản trú ẩn an toàn. Hiện lạm phát ở khu vực châu Âu, đặc biệt là tại Anh vẫn đang vẫn chưa ngừng leo thang, và làm gia tăng thêm sức ép tăng lãi suất với các Ngân hàng Trung ương. Giá bạc hưởng lợi nhiều hơn giá bạch kim bởi vai trò trú ẩn vượt trội hơn nên nhận được nhiều lực mua hơn.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tăng 4,69% lên 4,08 USD/pound, mức cao nhất trong vòng một tháng. Đáng chú ý, đây cũng là tuần tăng mạnh nhất với giá đồng kể từ tuần kết thúc ngày 15/1.
Bên cạnh sự suy yếu của đồng USD, sức mua trên thị trường đồng gia tăng khi mà những lo ngại về dự trữ đồng tại các Sở Giao dịch lớn. Tồn kho đồng trên Sở LME và Sở Thượng Hải lần lượt là 72.675 tấn và 81.992 tấn. Trong khi đó, tồn kho trên Sở COMEX gần như cạn kiệt khi chỉ còn dưới 15.000 tấn. Hiện các nhà xuất khẩu lớn là Chile và Peru đều gặp gián đoạn về nguồn cung và khó khăn trong việc tăng sản lượng, nên sẽ khó để bổ sung dự trữ cho các kho một cách nhanh chóng.
Ngược lại, giá quặng sắt trên Sở Giao dịch Singapore giảm 8,49% về 119,68 USD/tấn. Sau khi chạm mức 130 USD/tấn, giá sắt một mặt gặp áp lực bán chốt lời. Mặt khác, sắt là kim loại cơ bản có mức tăng trưởng nhanh và mạnh nhất kể từ vùng đáy, và có phần chưa cân đối với nhu cầu tiêu thụ. Vì thế, các nhà chức trách đang cân nhắc áp dụng chính sách kiểm soát giá hàng hóa. Đồng thời, triển vọng tiêu thụ quặng sắt cũng bị ảnh hưởng khi Bắc Kinh tiếp tục duy trì các chính sách hạn chế sản lượng thép để bảo vệ môi trường.
Thị trường hàng hóa dự kiến tiếp tục biến động mạnh trong tuần này
MXV cho biết, trong tuần này, thị trường sẽ tiếp tục theo dõi sát các biến động trên thị trường tài chính nhằm đánh giá sức khỏe của các nền kinh tế lớn, trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Điều này sẽ có tác động đáng kể tới giá hàng hóa, bởi lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế đang ngày càng gia tăng và khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc mở vị thế. Tuy vậy, các thông tin về tình hình lạm phát và lãi suất cũng đã được phản ánh vào giá trong tuần trước, do đó áp lực trong tuần này cũng sẽ giảm bớt.
Thị trường hàng hóa cũng mong đợi vào dữ liệu tích cực từ phía Trung Quốc, đặc biệt là chỉ số quản lý mua hàng PMI sản xuất, phản ánh hoạt động từ các nhà máy. Nhu cầu tại Trung Quốc vẫn đang được kỳ vọng sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho xu hướng giá hàng hóa trong dài hạn, dưới bối cảnh các quốc gia Bắc Mỹ và Tây Âu liên tục gặp áp lực. Trong trường hợp dữ liệu sản xuất tiếp tục biểu thị sự mở rộng, giá hàng hóa, đặc biệt là nhóm nguyên vật liệu đầu vào quan trọng như dầu thô, hay kim loại sẽ đón nhận lực mua tích cực.
Riêng đối với thị trường nông sản, vào lúc 23 giờ đêm thứ sáu, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ phát hành cùng lúc 2 báo cáo cực kỳ quan trọng, đó là báo cáo Tồn kho hàng quý và Triển vọng gieo trồng mùa vụ 2023/24 tại Mỹ. Như mọi năm, các số liệu này sẽ có tác động rất lớn tới giá các mặt hàng nông sản như đậu tương, ngô và lúa mì. Thậm chí các số liệu trong báo cáo Triển vọng gieo trồng có thể sẽ tạo ra 1 xu hướng lớn, kéo dài trên thị trường nông sản. Theo MXV, các nhà đầu tư cần đặc biệt theo sát các thông tin trước, trong và sau báo cáo để nâng cao hiệu quả trong hoạt động giao dịch.