Trong sự phát triển, biến đổi mạnh mẽ của xã hội ngày nay, vấn đề gia đình không chỉ là mối quan tâm riêng của từng cá nhân, từng cặp vợ chồng, mà đã trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội. Gia đình không chỉ là tổ ấm yêu thương, che chở và nuôi dưỡng mỗi tâm hồn mà còn là trường học đầu đời của mỗi người, giúp tạo nên nền tảng văn hóa, kiến thức của từng công dân. Vì thế gia đình còn có vai trò quan trọng, tích cực trong việc quản lý, giáo dục con em không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.
Trong những năm gần đây, ảnh hưởng tiêu cực của quá trình vận động kinh tế, xã hội và mặt trái của cơ chế thị trường đã và đang tác động sâu sắc đến cơ cấu và các chuẩn mực truyền thống của gia đình. Nhiều gia đình đã buông lơi chức năng giáo dục con em, không còn là "lá chắn an toàn" cho mỗi thành viên trước những sóng gió cuộc sống, dẫn đến phát sinh tội phạm và tệ nạn, đặc biệt trong thanh thiếu niên.
Trước thực tế đó, ngày 8-5-2002, Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam đã ký kết Nghị quyết liên tịch 01 về "Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội", với quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên, góp phần giữ gìn bình yên cuộc sống. Ðây cũng là hành động thiết thực để đưa Nghị quyết 09/1998/CP của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm đi vào cuộc sống.
Nghị quyết liên tịch 01 ra đời đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện nhiều mặt, coi đây là nội dung hoạt động thường xuyên, gắn với nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương. Các ban, ngành, đoàn thể cũng tiếp nhận Nghị quyết liên tịch 01 với sự quan tâm và chia sẻ trách nhiệm.
Bên cạnh đó, đông đảo tầng lớp nhân dân, nhất là hội viên phụ nữ và các gia đình đã tích cực tham gia thực hiện với nhiều hình thức, biện pháp và cách làm sáng tạo, từ đó tạo ra nhiều mô hình tốt, đạt kết quả thiết thực.
Trong 5 năm thực hiện, Nghị quyết liên tịch 01 đã được triển khai rộng khắp từ T.Ư tới tất cả các cấp công an và Hội phụ nữ tỉnh, thành phố, quận, huyện và đến xã, phường, làng bản, khóm, ấp... mang lại nhiều kết quả tích cực. Năm 2004, Ban chỉ đạo liên ngành tổ chức Hội thảo khoa học về cơ sở lý luận và thực tiễn trong quá trình giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội.
Năm 2005, tổ chức Hội nghị sơ kết giai đoạn 1; năm 2006 tổ chức Liên hoan phim truyền hình toàn quốc về thực hiện Nghị quyết liên tịch 01; năm 2007 mở Hội nghị gặp mặt giao lưu điển hình tiên tiến thực hiện công tác này.
Thông qua việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01, phụ nữ cả nước đã có sự gắn kết giữa phong trào giữ gìn trật tự an toàn xã hội với phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" và sáu chương trình trọng tâm của Hội LHPN Việt Nam; gắn việc vận động toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, cùng với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Công tác tuyên truyền vận động, giáo dục hội viên phụ nữ và các gia đình được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như mít-tinh, hội thảo, tọa đàm, hội thi, giao lưu văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt câu lạc bộ,... qua đó đã huy động sự tham gia đông đảo của các cấp, các ngành, nhiều nhà khoa học, tổ chức xã hội có tâm huyết vào việc thực hiện nội dung nghị quyết.
Ở những nơi có đông đồng bào tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, công an và phụ nữ các cấp đã phối hợp với Mặt trận, Hội Cựu chiến binh vận động người phụ trách tôn giáo, già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong xã hội, dòng họ tổ chức tuyên truyền trong giáo dân, bà con dân tộc thiểu số, nhân dân...
Theo số liệu ban đầu, 5 năm qua, đã có hơn 12 triệu hội viên phụ nữ, học sinh, sinh viên và người dân được phổ biến, giáo dục, tuyên truyền về Nghị quyết liên tịch 01; có hơn 6,3 triệu gia đình, cán bộ, hội viên, học sinh đăng ký thực hiện các nội dung của nghị quyết.
Phụ nữ đã phối hợp cung cấp hàng trăm nghìn nguồn tin nghi vấn về tội phạm; trong đó có nhiều nguồn tin có giá trị, giúp Công an kịp thời phát hiện hàng nghìn vụ phạm tội, truy bắt đối tượng truy nã và tội phạm. Hội phụ nữ các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các ngành liên quan giúp đỡ, cảm hóa hàng chục nghìn đối tượng nghiện ma túy, phạm tội, trẻ em mắc tệ nạn xã hội, thuyết phục nhiều học sinh bỏ học quay lại trường, giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ hoàn lương hòa nhập cộng đồng, góp phần hạn chế sự gia tăng tội phạm và tệ nạn xã hội.
Ðiều đáng ghi nhận là hoạt động của hội đã thu hút được số đối tượng là nam giới từng có quá khứ lầm lỗi tham gia. Nhiều chi hội, tổ phụ nữ đã được củng cố và duy trì sinh hoạt thường xuyên thông qua việc vận động chị em tham gia các câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc", "Phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội" và những mô hình tiêu biểu đạt hiệu quả tích cực trong thực tế như "Phòng, chống ma túy từ gia đình"...
Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội hiện nay và trong thời gian tới có những diễn biến phức tạp, nhất là trong đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Vấn đề buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam tiếp tục là vấn đề nóng bỏng, nhức nhối của xã hội, là mối quan tâm, lo lắng của mỗi gia đình và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự của đất nước.
Tất cả điều đó đòi hỏi việc phòng, chống tội phạm trong thanh thiếu niên và giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội là cấp thiết. Vì thế, việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 giữa Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam rất có ý nghĩa trên trận tuyến đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.