Ngày 4/8, chồng Mai Thị Thu (29 tuổi, quận 12, TP Hồ Chí Minh) bắt đầu trở sốt. Anh vừa cùng mẹ và em trai đi tiêm vaccine ngày 3/8, và đương nhiên, cả nhà lúc này chỉ nghĩ tới tác dụng phụ của vaccine.
Nhưng cơn sốt dai dẳng, kèm theo những cơn ho nặng đến dồn dập. “Tiếng ho rất sâu và không thể cầm được. Anh ấy cứ ăn vào là nôn”, Thu kể. 4 ngày sau, chồng Thu sốt nặng, gần 39 độ, cả nhà đã nghĩ tới tình huống xấu.
“Cầm kết quả dương tính, cả nhà chết lặng, hai đứa con còn quá bé, mẹ chồng thì tuổi cao. Tôi đành để chồng tự một mình chăm sóc trên gác”, Thu biết cả gia đình bắt đầu phải đối mặt với một cuộc chiến vô cùng căng thẳng và hoang mang. Lúc này, thành phố có thêm hơn 4.000 ca nhiễm mỗi ngày.
Các nhân viên y tế cho biết, nồng độ virus của chồng chị rất cao nên được đưa vào Bệnh viện dã chiến số 2 điều trị. Thu nghĩ, anh vào viện một mình sẽ vô vàn nguy cơ và lo lắng, nhưng lúc này, Thu đang phải bảo vệ cho hai con không bị nhiễm chéo.
Thế nhưng biến thể virus Detla có tốc độ lây nhiễm khủng khiếp đã lần lượt làm cho từng người trong gia đình Thu đổ bệnh, đầu tiên là Thu. Hai ngày sau khi chồng vào bệnh viện dã chiến, Thu trải qua cảm giác bị hành hạ bởi những cơn đau đầu, đau họng, mất vị giác. Tiếp theo là mẹ chồng và em trai chồng.
Con trai đầu của Thu mới 3,5 tuổi cũng bắt đầu lên cơn sốt. 5 ngày sau, cả nhà lên đường vào khu cách ly, cách xa nơi chồng Thu điều trị chừng 3km.
“Vào khu cách ly, bé thứ nhất đỡ thì đến bé 5 tháng tuổi sốt. Nhìn con quấy khóc suốt ngày đêm, tôi chồng chất nỗi lo lắng. Trong khi đó, chồng tôi bên bệnh viện dã chiến vẫn chưa có nhiều tiến triển”, Thu kể.
Những cảm giác của chứng bệnh do virus SARS-CoV-2 đều được cả nhà trải qua, từ ho nhiều, sốt, mệt mỏi, mất vị giác, mất khứu giác, ăn không được, nôn ói.
Nhiều đêm con quấy khóc, không ai hỗ trợ, mình Thu tự xoay xở. Đêm khuya, khi con đã say giấc, Thu ngồi sụp xuống góc phòng mà khóc vì lo lắng và sợ hãi không biết phải vượt qua khó khăn này thế nào: “Tôi chỉ lo chồng bị nặng không thể trở về. Những ngày đó, tôi không dám đọc bất kỳ tin tức nào về tình hình dịch tại thành phố, về những ca tử vong. Nỗi sợ mơ hồ rất khủng khiếp, nó có thể hạ gục tôi khuỵu xuống bất kỳ lúc nào”, Thu kể.
“Phải chiến đấu tới cùng”, Thu trấn an mình và mẹ chồng" “bệnh chỉ như cảm cúm thôi. Bà phải cố gắng ăn uống để có sức khỏe”. Thu nói với mẹ chồng nhưng chính bản thân cô cũng phải cố gắng từng phút. “Cứ ăn vào lại nôn, nôn xong tôi lại cố gắng ăn lại, từng chút một. Nhiều hôm không có sức để dậy vẫn phải cố vì hai đứa con nhỏ cần mẹ", Thu nói.
Vốn quen dựa dẫm vào chồng, lần đầu tiên, Thu phải đứng ra làm chủ mọi việc. Những kiến thức về phòng bệnh được Thu áp dụng hết, từ việc uống nước cam, uống nước nóng, uống C sủi, súc họng, xông hơi… tất cả để giữ cho cơ thể có sức đề kháng tốt nhất.
Ngày thứ 3 ở khu cách ly, chồng Thu nhắn tin sang anh đã bớt sốt. Cô bật khóc vì niềm hy vọng ngày một lớn: “Tôi chỉ lo anh ho nhiều sẽ bị hỏng phổi. Nếu anh ấy có mệnh hệ gì, tôi sẽ vô cùng chới với không biết dựa vào đâu. Tối ngày thứ 3, tôi cũng cắt sốt. Sự lạc quan tràn trề khiến tôi như có thêm động lực”.
Ngày 21/8, mẹ chồng và con trai đầu của Thu được rời khu cách ly. Sau đó 2 ngày, khi kết quả của Thu âm tính, cô và con út 5 tháng cũng được trở về nhà.
Niềm vui cứ nhân lên mỗi ngày khi vào 24/8, chồng Thu khỏi bệnh. Cả nhà ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Bữa cơm chiều 24/8 chẳng có nhiều nhặn gì thức ăn mà ai nấy đều ăn rất ngon miệng. Có lẽ đó là bữa cơm ngon nhất của bất kỳ buổi đoàn viên nào trong gia đình nhỏ của Thu.
Thu tâm sự, chị cảm thấy may mắn vì cả gia đình đã mắc Covid-19 và trải qua một cách nhẹ nhàng. "Cả nhà được đi cách ly cùng một nơi, được chăm sóc nhau. Ai cũng chỉ bị virus "hỏi thăm", chưa bị tổn thương nặng nề tới phổi. May mắn cả nhà cùng về bình an, hai em bé dù mắc bệnh nhưng cũng chỉ thoảng qua. Khi mình đã đối mặt, đã vượt qua được thì không còn nỗi sợ với Covid-19 nữa”, Thu nói.
Từ hôm 24/8, nhà Thu vui hơn Tết. “Đó là những ngày tháng ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi. Mình đã vượt qua được kiếp nạn, cả nhà trở về bình an. Trong lúc gian nan nhất, tôi nghĩ nếu khỏi bệnh, tôi sẽ vất bỏ cuộc sống để về quê, về phụng dưỡng bố mẹ ở quê nhà, sống cuộc sống bình an. Nhưng giờ đi khi qua giông bão, tôi thấy yêu thương cuộc sống nơi đây, yêu gia đình mình, dành nhiều thời gian hơn cho nhau”, Thu nói.
Cùng gia đình vượt qua sóng gió bệnh tật, Thu tâm sự, bí quyết để vững vàng đó là phải có một tinh thần thật tốt, và lúc này điểm tựa tinh thần chính là hai đứa con để cô cố gắng hết sức vừa tự vực dậy sức khỏe, vừa chăm sóc gia đình nhỏ.