Mặc dù một số mặt hàng quan trọng biến động rất mạnh trong ngày hôm qua, nhưng diễn biến trái chiều khiến chỉ số MXV-Index chỉ tăng nhẹ lên mức 3.132 điểm. Dòng tiền đầu tư của thị trường cũng ghi nhận sự gia tăng với mức tăng hơn 5%, giá trị giao dịch toàn Sở đạt 4.300 tỷ đồng.
Nguồn cung thắt chặt hỗ trợ mạnh mẽ cho đà tăng của giá dầu
Thị trường Năng lượng thu hút nhiều sự quan tâm trong ngày hôm qua khi giá khí tự nhiên tiếp tục phiên giảm rất sâu thứ 2 liên tiếp, xuống mức 8,7 USD/MMBtu. Theo dữ liệu từ S&P Global Commodity Insights, nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Anh trong tháng 5 vừa qua đã giảm hơn 40% so với tháng trước đó do tồn kho nước này đã đạt trên 91% tổng công suất. Thông tin này phần nào tác động lên giá khí tự nhiên trên Sở NYMEX. Tuy nhiên, so đầu năm nay, mặt hàng này đã tăng đến hơn 250%.
Trong khi đó, dầu thô bật tăng mạnh mẽ trong phiên giao dịch hôm qua sau Báo cáo Dầu khí hàng tuần của Cơ quan Năng lượng Mỹ EIA cho thấy nhu cầu các sản phẩm dầu vẫn rất cao. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 2.26% lên 122.11 USD/thùng trong khi dầu Brent tăng 2.5% lên 123.58 USD/thùng.
Giá dầu chính thức vượt ngưỡng kháng cự tâm lý 120 USD/thùng, sau khi liên tục chịu áp lực trong suốt 3 tháng. Một loạt yếu tố hỗ trợ như Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế dịch tại Thượng Hải, Bắc Kinh, cũng như việc Liên minh châu Âu EU thông qua gói cấm vận Nga mà không còn gặp nhiều sự phản đối của các thành viên khiến cho thị trường gần như chắc chắn sẽ thiếu hụt một lượng lớn dầu từ Nga trong cuối năm nay.
Đà tăng của giá tiếp tục duy trì trong phiên tối, sau khi Tehran cho biết đã loại bỏ 2 camera giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA, vốn là điều kiện cần thiết để Iran và các nước phương Tây ngồi lại vào bàn đàm phán nhằm thảo luận lại đàm phán hạt nhân. Điều này có thể gây khó khăn để Mỹ cho phép nước này xuất khẩu dầu trở lại. Đầu tuần, Citibank cho biết kỳ vọng Iran có thể quay trở lại thị trường quốc tế sớm nhất cũng chỉ có thể trong đầu năm sau. Tuy vậy, với các diễn biến mới này, xác suất để đàm phán các bên thành công ngày càng thấp.
Kim loại quý và Kim loại cơ bản diễn biến trái chiều
Thị trường kim loại diễn biến trái chiều với sự suy yếu của kim loại quý là bạc và bạch kim, trong khi kim loại cơ tiếp tục phục hồi. Giá vàng tăng nhẹ 0.07% lên mức 1853.26 USD/ounce. Giá bạc vẫn chưa thể bứt phá khi liên tục giằng co quanh vùng kháng cự, đóng cửa với mức giảm 0.38% xuống 22 USD/ounce. Giá bạch kim đóng cửa trong sắc đỏ phiên thứ 2 liên tiếp, giảm 0.13% xuống 1011.6 USD/ounce. Tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trước thềm công bố các dữ liệu kinh tế quan trọng về lạm phát tại Mỹ vào cuối tuần đã khiến giá nhóm kim loại quý biến động nhẹ. Đồng Dollar tăng trong phiên hôm qua gây áp lực tới chi phí nắm giữ bạc và bạch kim, vốn có sức trú ẩn an toàn kém hấp dẫn hơn vàng.
Bên cạnh đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khu vực EU trong quý đầu tiên tăng 0.6% so với quý trước đó và nền kinh tế tăng trưởng 5.4% so với cùng kỳ năm ngoái đang làm tăng mức đặt cược của các nhà đầu tư về việc Ngân hàng Châu Âu (ECB) mạnh tay nâng lãi suất, do tăng trưởng thường đi kèm với lạm phát. Trong ngày hôm nay, cuộc họp của ECB sẽ quyết định mức lãi suất và đưa ra kế hoạch kiềm chế giá cả leo thang. Nhóm kim loại quý sẽ có những phản ứng rõ rệt hơn trước các thông tin này.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX và quặng sắt đều đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng lần lượt là 0.43% lên 4.45 USD/pound và 0.09% lên 144.74 USD/tấn, khi nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc đang dần đi vào quỹ đạo và mức tồn kho giảm đáng kể. Dữ liệu cho thấy tồn kho đồng trên sở Thượng Hải hiện đang ở mức 6,500 tấn, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1 đầu năm nay. Trong khi đó, nguồn cung đồng tại Chile cũng đang gặp gián đoạn khi tập đoàn Colado, nhà khai thác đồng lớn nhất thế giới phải tạm dừng nhà máy luyện và lọc dầu Ventanas nhằm bảo trì, sau khi các nhà chức trách tuyên bố tình trạng khẩn cấp về môi trường hồi đầu tuần, do hàng chục người dân trong khu vực bị ngộ độc khí thải. Thông tin này cũng đã hỗ trợ giá đồng trong bối cảnh nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc.
Trên thị trường nội địa, ngày 6/6, các thương hiệu thép lớn đồng loạt điều chỉnh giảm giá thép xây dựng 300.000 - 310.000 đồng/tấn. Như vậy, chỉ tính từ ngày 11/5, giá thép xây dựng có 5 đợt giảm liên tiếp, hiện đang dao động 16,8 - 17,9 triệu đồng/tấn. Theo giới chuyên gia, ngành thép trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ giảm trong khi nguồn cung không đổi. Điều này sẽ gây sức ép lên giá thép nội địa từ nay đến cuối năm. Cùng với đó, chi phí đầu vào tăng cao khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất càng bị co hẹp.