Dầu thô vượt vùng đỉnh 7 năm, dập tắt kỳ vọng giá sẽ nhanh chóng bình ổn
Theo thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá WTI giảm 2,15% xuống 89,36 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 2,06% xuống 90,78 USD/thùng. Chỉ số MXV-Index Năng lượng (chỉ số thể hiện sự biến động của các mặt hàng năng lượng đang giao dịch liên thông với thế giới tại MXV) giảm 2% xuống 3.955,73 điểm.
Nếu như trong tháng 1, Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) kỳ vọng giá dầu sẽ nhanh chóng điều chỉnh xuống mức trung bình 75 USD/thùng, thì Báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn tháng 2 phát hành rạng sáng nay đã cho thấy EIA phải điều chỉnh lại dự báo của mình.
Theo ước tính mới nhất, giá dầu thô WTI trong năm 2022 sẽ duy trì ở mức trung bình 79,35 USD/thùng, trong khi trong tháng 2 sẽ duy trì ở vùng 90 USD/thùng. Nguyên nhân chủ yếu là do tồn kho dầu đã giảm 6 quý liên tiếp, và đẩy tồn kho của nhóm nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD xuống mức 2,7 tỷ thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2014.
Về mặt tiêu thụ dầu, EIA điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu nhiên liệu toàn cầu trong năm 2022 từ 100,52 triệu thùng/ngày lên 100,61 triệu thùng/ngày, bất chấp ảnh hưởng từ các lệnh phong tỏa, giãn cách tại châu Á như Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc).
Lời hứa khó có thể thực hiện của OPEC+
Bất chấp các lời hứa và lộ trình tăng sản lượng 400 nghìn thùng/tháng từ phía nhóm các nước thành viên thuộc Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+, liên tiếp các tháng gần đây OPEC+ không thể sản xuất đúng hạn ngạch.
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, sản lượng dầu của OPEC+ đang thấp hơn các cam kết khoảng 600.000-700.000 thùng/ngày. Các quốc gia sản xuất dầu lớn như Iraq trong tháng 1/2022 thậm chí còn sản xuất dầu ít hơn hơn so với tháng 12/2021. Việc cắt giảm tiền đầu tư và bảo dưỡng các cơ sở hạ tầng trong giai đoạn trước đã tạo nên vấn đề khi các quốc gia muốn tăng sản lượng trở lại. Báo cáo tối qua của EIA cũng đã giảm sản lượng ước tính ở phía tổ chức OPEC từ 100.000-200.000 thùng/ngày trong giai đoạn từ quý I đến quý III năm nay.
Trong khi đó, theo báo cáo của API sáng nay, tồn kho tại Cushing, khu vực lưu trữ dầu để giao nhận cho các hợp đồng WTI đã giảm tiếp 2,5 triệu thùng trong tuần này, điều có thể gây ra một làn sóng lo lắng khác. Dự trữ của Cushing chỉ ở mức trên 30 triệu thùng, giảm một nửa từ 60 triệu thùng vào đầu năm 2021 và giảm từ 37 triệu thùng vào cuối năm 2021. Đây là một ngưỡng “báo động”, do Cushing cần phải duy trì tối thiểu 20 triệu thùng dầu để vận hành giao nhận dầu bình thường. Điều này cho thấy nguồn cung dầu thực tế đang bị thắt chặt rất nhiều.
Không loại trừ khả năng trong báo cáo thị trường dầu tháng 2 của OPEC và IEA trong cuối tuần này, các tổ chức này cũng sẽ điều chỉnh dự báo về cân bằng cung-cầu dầu thô thế giới. Các báo cáo hằng tháng của các tổ chức thị trường lớn như EIA, OPEC và IEA luôn đóng vai trò quan trọng trong việc “định hướng” thị trường, do đó, trong trường hợp này, khả năng cao giá dầu vẫn sẽ thách thức lại cột mốc 90 USD/thùng trong tuần này.