Thống kê cho thấy, hôm 26/1 vừa qua, giá dầu thế giới đã vượt ngưỡng 90 USD/thùng lần đầu tiên trong 8 năm qua. Tại thị trường New York, giá dầu thô Mỹ WTI giao tháng 3/2022 tăng 1,75 USD, tức tăng 2%, lên 87,35 USD/thùng. Tại thị trường Luân Đôn, giá dầu Brent giao tháng 3/2022 chốt phiên ở mức 89,96 USD/thùng, tăng 2% và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 10/2014 và đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp giá dầu thế giới tăng hơn 2%/ngày. Tính từ đầu tháng 1/2022 đến nay, giá dầu đã tăng gần 20%.
Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân chính đẩy giá dầu tăng là căng thẳng Nga và phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine và lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông trong bối cảnh thiếu cơ sở hạ tầng sản xuất dầu ở nhiều nước trong khu vực. Căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Nga đã làm dấy lên lo ngại về dòng khí đốt từ Nga đến châu Âu, khiến Ủy ban châu Âu và Mỹ phải tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong bối cảnh khí đốt từ Nga chiếm khoảng 40% lượng khí đốt được sử dụng tại EU. Hiện tại, các kho khí đốt của EU có thể cạn kiệt vào cuối tháng 3.
Giới phân tích quan ngại rằng, căng thẳng Nga-phương Tây còn đẩy giá dầu tăng mạnh hơn. Theo đó, mỗi ngày trôi qua nếu không có sự xuống thang căng thẳng, áp lực đẩy giá dầu tăng sẽ cao hơn nữa. Ngoài ra, các căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông cũng tác động không nhỏ đến thị trường dầu mỏ thế giới. Đầu tuần này, phong trào Houthi của Yemen đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa vào một căn cứ của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). UAE cho biết đã đánh chặn 2 tên lửa đạn đạo nhắm vào Abu Dhabi. Đợt tấn công tên lửa nêu trên làm leo thang căng thẳng trên khắp vùng Vịnh và đe dọa làm gián đoạn nguồn cung dầu lửa.
Bên cạnh đó, việc lượng dự trữ dầu của Mỹ ở mức thấp và khả năng thiếu hụt nguồn cung cũng đang làm dấy lên quan ngại về việc “vàng đen” tăng giá. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 26/1 cho biết dự trữ dầu thô của nước này tăng 2,4 triệu thùng trong tuần trước; trong khi các nhà phân tích do S&P Global Platts khảo sát dự đoán nguồn cung dầu thô của Mỹ giảm 2,1 triệu thùng. Nguồn cung dầu lửa đang hạn chế do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác đang không thể đẩy sản lượng lên quá nhanh sau khi cắt giảm mạnh vào năm 2020. Hiện tại, tăng trưởng của dầu đá phiến tại Mỹ đã chững lại và các nhà phân tích cho biết, sản lượng dầu của Mỹ hằng ngày hiện thấp hơn 1 triệu thùng so với lúc sản lượng cao kỷ lục. Trong trung hạn, giới phân tích cũng không lạc quan về khả năng nguồn cung dầu tăng, bởi trong thời gian qua khi giá dầu mỏ thấp, các nhà đầu tư đã không đổ tiền vào lĩnh vực khai thác dầu. Trước thực trạng nêu trên, Goldman Sachs mới đây nhận định giá dầu Brent có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào quý III/2022, trước đó nhiều chuyên gia phân tích phố Wall đã dự báo về khả năng giá dầu “lên ngưỡng 3 con số”.
Việc dầu tăng giá đang đe dọa “cản bước” đà phục hồi của các nền kinh tế, đồng thời “góp gió thành bão”, đẩy lạm phát tăng cao. Bởi vậy, hợp tác để “hạ nhiệt” căng thẳng địa chính trị, tăng nguồn cung, từ đó kéo giá dầu thấp xuống đang là vấn đề cấp bách của các cường quốc, các nước xuất khẩu dầu mỏ cũng như cộng đồng quốc tế. Theo kế hoạch, OPEC và các đối tác (OPEC+) nhóm họp vào ngày 2/2 để xem xét một đợt tăng sản lượng khác. Hy vọng, các biện pháp can thiệp kịp thời của OPEC+ tới đây sẽ giúp chấm dứt tình trạng “vàng đen loạn giá”.