Giá dầu thế giới quay đầu suy yếu sau hai phiên tích cực

NDO - Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, trong phiên giao dịch ngày hôm qua (11/3), trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục chịu áp lực trước lo ngại rằng chính sách thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa từ Mexico, Canada và Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc của Nga. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Hệ thống đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc của Nga. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Sắc đỏ chiếm áp đảo trên thị trường năng lượng trong phiên giao dịch ngày 10/3. Trong đó, giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc khi lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ đối với Canada, Mexico và Trung Quốc có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kéo theo nhu cầu năng lượng sụt giảm. Đồng thời, quyết định gia tăng sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) từ tháng 4 càng tạo thêm áp lực lên thị trường dầu.

Kết thúc phiên giao dịch, giá cả hai mặt hàng dầu thô đều giảm 1,5%, lần lượt ở mức 69 USD/thùng với dầu Brent và 66 USD/thùng với dầu WTI. Như vậy, sau phiên phục hồi nhẹ vào phiên cuối tuần trước, giá dầu tiếp tục rời xa mốc 70 USD/thùng.

Giá dầu thế giới quay đầu suy yếu sau hai phiên tích cực ảnh 1

Nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm mạnh trong phiên hôm qua là do thị trường lo ngại về chính sách thuế quan, thương mại của Tổng thống Mỹ. Việc ông Trump áp thuế rồi hoãn thực thi đối với các nhà cung cấp dầu từ Canada, đồng thời nâng thuế đối với Trung Quốc dẫn đến các động thái “ăn miếng trả miếng” từ các quốc gia này. Nguy cơ về các cuộc đối đầu thương mại mang tính toàn cầu có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế, kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm sút đã kéo giá dầu đi xuống.

Trong quá khứ, giá dầu thô thường phản ứng đồng pha với giá cổ phiếu nếu có khả năng suy thoái kinh tế. Trong phiên thứ Hai (10/3), chỉ số S&P 500 đã giảm 2%; chỉ số Nasdaq Composite giảm hơn 3%, khiến các nhà đầu tư lo lắng về giá dầu tiếp tục giảm sâu.

Về phía nguồn cung, OPEC+ đã xác nhận sẽ tăng sản lượng thêm 138.000 thùng/ngày từ tháng 4, bất chấp những lo ngại về nhu cầu suy giảm. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, nhóm này vẫn để ngỏ khả năng điều chỉnh chính sách nếu thị trường mất cân bằng sau khi tăng nguồn cung.

Bên cạnh đó, những căng thẳng địa chính trị cũng đang tác động mạnh đến thị trường dầu mỏ. Chính quyền ông Trump tiếp tục gia tăng sức ép lên Iran nhằm hạn chế xuất khẩu dầu của nước này, như một phần trong chiến lược ép buộc Tehran kiềm chế chương trình hạt nhân. Đồng thời, Washington cũng đe dọa siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga nếu tình hình Ukraine không được giải quyết. Tuy nhiên, một số thông tin cho thấy chính quyền Mỹ vẫn đang cân nhắc khả năng dỡ bỏ một phần trừng phạt nếu Moscow đáp ứng các yêu cầu của ông Trump. Hiện tại, giới đầu tư đang theo dõi sát sao các báo cáo hằng tháng từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và OPEC, dự kiến công bố vào cuối tuần này.

Giá dầu thế giới quay đầu suy yếu sau hai phiên tích cực ảnh 2

Theo MXV, sau ba phiên phục hồi, đóng cửa ngày hôm qua, lực bán chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,32% xuống mức 2.271 điểm.