Giá dầu rơi mạnh hơn 12%, mất mốc 110 USD

NDO -

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày 9/3, sắc đỏ áp đảo trở lại trên bảng giá 31 loại hàng hóa đang liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở, khiến chỉ số MXV-Index quay đầu giảm mạnh gần 5%, về mức 3.040,84 điểm. Mức giảm này đã xóa đi gần một nửa mức tăng tích lũy được trong 7 phiên trước đó.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Giá dầu rơi mạnh hơn 12%, mất mốc 110 USD -0

Tuy nhiên, trái với diễn biến có phần tiêu cực từ giá các mặt hàng, dòng tiền vẫn duy trì ổn định gần 9.700 tỷ đồng. Đây là một trong những đặc tính nổi bật của thị trường hàng hóa khi giới đầu tư luôn có thể tìm kiếm được cơ hội, ngay cả khi giá tăng hoặc giảm.

Giá dầu lao dốc trong phiên hôm qua và kết thúc với mức giảm kỷ lục do một loạt các yếu tố mới xuất hiện trên thị trường. Cụ thể, giá dầu thô WTI giảm 12,13% xuống 108,7 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 13,16% xuống 111,14 USD/thùng.

Giá dầu rơi mạnh hơn 12%, mất mốc 110 USD -0

Dầu thô vẫn duy trì sắc xanh trong phiên sáng khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang tiếp diễn và các nước châu Âu cân nhắc lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Trong khi đó, thông tin từ Saudi Arabia cho biết, các nhà lãnh đạo nước này từ chối điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, điều này đã củng cố đà tăng cho giá dầu phiên sáng qua. 

Tuy vậy, giá bắt đầu chịu áp lực khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho biết, họ đang lên kế hoạch để cắt giảm giá xăng dầu. Trước mắt, IEA sẵn sàng giải phóng thêm dầu từ kho chứa cho thị trường. Bên cạnh đó, IEA cho biết trong tuần tới sẽ xây dựng kế hoạch để cắt giảm lượng dầu tiêu thụ. 

Giá tiếp tục rơi mạnh sau khi UAE kêu gọi các thành viên OPEC+ gia tăng sản lượng dầu, cùng thời điểm phía Ukraine cho biết họ sẵn sàng thỏa hiệp với Nga để chấm dứt xung đột. Có thể thấy các thiệt hại nặng nề từ cuộc xung đột đang khiến cho các bên sẵn sàng gia tăng các nỗ lực ngoại giao. Đây sẽ là một yếu tố mới để kìm hãm giá dầu. 

Trên hết, có thể thấy Nhà Trắng đang nỗ lực hơn bao giờ hết để gia tăng nguồn cung cho thị trường, đặc biệt là bằng các nỗ lực ngoại giao. Hiện Mỹ cũng đang kêu gọi Venezuela quay lại xuất khẩu dầu trong trường hợp các lệnh cấm vận được gỡ bỏ. Các yếu tố trên khiến cho giá WTI có lúc giảm đến 20 USD, xuống sát vùng 100 USD/thùng. 

Đến cuối phiên, giá dầu phục hồi phần nào từ lực mua bắt đáy, kết hợp một số yếu tố hỗ trợ. Bất chấp việc Nhà Trắng thúc đẩy việc nới lỏng cấm vận, mở đường cho nước Mỹ nhập khẩu dầu từ Venezuela và Iran, tuy nhiên chủ trương này cũng đang vấp phải sự phản đối. Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio đang đề xuất lệnh cấm mới, nhằm ngăn chặn Mỹ nhập khẩu dầu từ các nước đang chịu cấm vận, với lý do cần ngăn chặn nguồn thu của các nước này.

Tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 4/3 cũng giảm mạnh 1,86 triệu thùng, gấp 3 lần mức dự đoán của thị trường, cũng góp phần hạn chế mức giảm trong phiên tối qua.

Trên thị trường nội địa, giá xăng dầu tăng cao vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến cung-cầu tiêu dùng nói chung. 

Giá dầu rơi mạnh hơn 12%, mất mốc 110 USD -0