Diễn biến tích cực của giá hàng hóa thế giới cũng thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước, đang chảy khỏi các kênh truyền thống khác khi thị trường đi xuống. Giá trị giao dịch toàn Sở phiên hôm qua đã vượt lại mức 7.500 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu tháng 3 đến nay.
Giá lúa mì tăng kịch trần
Đáng chú ý nhất trong phiên hôm qua là mức tăng kịch trần của giá lúa mì, sau khi Ấn Độ chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu do an ninh lương thực của nước này đang bị đe dọa.
Theo Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ, tất cả các đơn hàng lúa mì nhằm mục đích bảo đảm an ninh lương thực của một số quốc gia vẫn sẽ được phép xuất khẩu dựa theo yêu cầu của chính phủ nước đó. Tuy nhiên, các đơn hàng mới sẽ bị cấm ngay lập tức. Trong bối cảnh lúa mì Ấn Độ được kỳ vọng sẽ bù đắp phần nào nguồn cung thiếu hụt tại Biển Đen, động thái cấm xuất khẩu của chính phủ nước này có thể nói là một cú shock đối với thị trường.
Giá ngô cũng bật tăng hơn 3% nhờ được ảnh hưởng tích cực từ diễn biến giá lúa mì. Theo Reuters, một số khu vực gieo trồng tại bang Parana của Brazil có thể sẽ phải gánh chịu ảnh hưởng tiêu cực từ băng giá trong những ngày tới. Không chỉ có vậy, sương giá cũng sẽ xuất hiện tại một số khu vực trên cao ở phía nam Minas Gerais. Điều này đang gây ra một số lo ngại rằng vụ ngô thứ 2 của bang Parana có thể bị ảnh hưởng xấu do cây đang trong giai đoạn phát triển quan trọng.
Đối với đậu tương, giao hàng đậu tương Mỹ trong tuần kết thúc ngày 12/5 tăng trở lại lên mức gần 800.000 tấn, là yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá. Tuy nhiên, việc ép dầu của Mỹ trong tháng 4 lại chỉ đạt 4,6 triệu tấn, thấp hơn dự đoán của thị trường ở mức 4,9 triệu tấn, đã hạn chế đà tăng của mặt hàng này và khiến giá chỉ tăng nhẹ 0,6% khi đóng cửa.
Giá dầu chịu áp lực trước nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc
Ngày giao dịch đầu tuần đã chứng kiến sự thất thường của thị trường dầu thô. Giá dầu giảm khá mạnh trong phiên sáng, sau các số liệu cho thấy thông lượng dầu thô và lượng xe cộ bán ra trong tháng 4 của nước này giảm mạnh so năm ngoái. Tuy nhiên, ngay sau các thông tin tích cực về đại dịch Covid-19 tại Thượng Hải, giá dầu đã đảo chiều tăng trở lại khoảng 6 USD/thùng so mức thấp nhất ngày.
Cụ thể, giá dầu WTI giao tháng 6 đóng cửa tăng 3,36% lên 114,20 USD/thùng và giá dầu Brent tháng 7 tăng 2,41% lên 114,24 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 9/3 đối với cả 2 loại dầu kể trên, nhưng giá vẫn chưa thực sự phá vỡ được khoảng giao dịch đi ngang đã duy trì trong suốt hơn 2 tháng qua.
Thành phố Thượng Hải có kế hoạch sẽ tăng dần các chuyến bay nội địa và sớm mở cửa trở lại các trường học, siêu thị. Điều này tạo ra tâm lý tích cực hơn đối với giới đầu tư, khi kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ nhanh chóng bước vào giai đoạn hồi phục sau Covid.
Bên cạnh đó, thông tin về việc tồn kho tại kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1987 cũng là thông tin tích cực hỗ trợ giá dầu đi lên trong khoảng thời gian cuối phiên hôm qua. Sau khi đã cam kết giải phóng khoảng 180 triệu thùng dầu, việc tồn kho giảm mạnh sẽ thu hẹp khả năng Mỹ tiếp tục mạnh tay trong việc sử dụng kho dầu dự trữ trong thời gian tới và điều này sẽ khiến nguồn cung thương mại vẫn ở mức thắt chặt nếu OPEC+ không thay đổi các chính sách về sản lượng của nhóm này.
Ngoài ra, một số tin tức từ châu Âu bày tỏ sự lạc quan về việc Liên minh châu Âu (EU) có thể đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu theo từng giai đoạn đối với dầu của Nga bất chấp sự phản đối của một số quốc gia, cũng là thông tin tích cực (bullish) đối với giá dầu. Nếu quyết định này thực sự được đưa ra, nhiều chuyên gia dự báo giá dầu có thể sẽ quay trở lại hoặc thậm chí vượt vùng đỉnh đã đạt được trong năm 2022.