Ghép tế bào gốc giúp trẻ bại não phục hồi

NDO -

NDĐT - Sau sáu tháng được ghép tế bào gốc, thể trạng và tinh thần cậu bé Bùi Duy Nghĩa (19 tháng tuổi, ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa) bị bại não luôn bị gồng cứng toàn thân, chân tay co quắp đã tiến bộ vượt bậc. Ngay cả cha, mẹ của bé cũng không ngờ cháu có tiến bộ nhanh như thế.

Thể trạng và tinh thần bé Bùi Duy Nghĩa đã tiến bộ vượt bậc.
Thể trạng và tinh thần bé Bùi Duy Nghĩa đã tiến bộ vượt bậc.

Nằm trên giường chơi, có người chạy ra, bé ngước mắt, xoay người sang hóng chuyện, cười tít mắt, đập tay chân liên hồi. Trông bé Nghĩa cười như nắc nẻ, ê a khi mẹ pha trò; thấy mẹ gọi, dù chưa phát âm được rõ tiếng, bé đã có phản xạ quay lại… không ai nghĩ rằng đó là em bé từng bại não. Chị Trần Thị Phượng, mẹ của Nghĩa cho biết: Mỗi bữa bé cũng ăn được một bát cơm chứ không chỉ uống sữa như trước. Vì thế, bé cũng đã tăng được 2 kg so với lúc bắt đầu ghép, nặng được 12 kg. Cẳng chân đã có da thịt không còn co cứng và có xu hướng teo như trước.

Bé Bùi Duy Nghĩa là trường hợp bệnh nhi bại não đầu tiên được Bệnh viện Vinmec chữa trị bằng liệu pháp tế bào gốc. Bé đã được tiêm tế bào gốc bốn lần trong vòng sáu tháng qua. Lần tái khám vào giữa tháng 9 này cũng là đánh giá chính thức về kết quả điều trị bằng phương pháp điều trị còn rất mới ở Việt Nam.

Th.S, bác sĩ Vũ Duy Chinh - Khoa Phục hồi chức năng nhận định: “Những tiến bộ về tinh thần cháu bé thể hiện rõ ở khả năng giao tiếp và tương tác với người khác. Bệnh nhi cũng phục hồi rất tốt về mặt thể chất, cháu không còn những cơn co cứng cơ như trước, hai chân không còn duỗi chéo, hai tay không bị co quắp; tay chân cử động khá linh hoạt... So với hình ảnh em bé liên tục gồng cứng co rút do di chứng của bệnh bại não trước kia, đây là một khoảng cách rất xa.

Các kỹ thuật viên của khoa Phục hồi chức năng, tiếp tục hướng dẫn cho mẹ cháu bé những bài tập kích thích, tạo thuận cho bé có thể chống tay, kiểm soát đầu cổ cũng như tiếp tục tạo thuận vận động các chi, giúp bé phục hồi nhanh hơn.

Được biết, trước khi được ghép tế bào gốc, lúc 10 tháng, Nghĩa bị tiêu chảy, sốt cao, co giật, sốc nhiễm trùng. Sau khi được cấp cứu và hồi sức tại một bệnh viện, cháu đã qua cơn nguy kịch, nhưng do có thời gian bị thiếu ô-xy lên não nên đã bị di chứng bại não. Từ đó, cháu bé thường xuyên bị co cứng người gây ăn uống khó khăn, khó thở, khó ngủ, mệt mỏi, quấy khóc liên tục. Sau di chứng, cháu không còn phản xạ giao tiếp thông thường ở lứa tuổi 10 tháng, không biết hóng chuyện, bi bô, khả năng vận động của cháu như: lẫy, bò, ngồi... cũng không còn. Vì thế, ngoài tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ, ghép tế bào gốc là hy vọng cuối cùng để chữa bệnh cho các cháu bé không may bị bại não.

GS, TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Vinmec cho biết, trước đây những trường hợp này vẫn được coi vô phương cứu chữa. Sau quá trình tìm tòi, nghiên cứu, ông cho rằng ghép tế bào gốc có thể là tia hy vọng giúp các cháu bé bị bại não có thể hồi phục. Sau khi thảo luận kỹ với gia đình, ông đã quyết định sử dụng phương pháp điều trị còn rất mới này cho cháu Nghĩa. Và kết quả hồi phục kỳ diệu của bé Nghĩa hôm nay làm cho ông và các bác sĩ ở Bệnh viện Vinmec tin tưởng vào hiệu quả của liệu pháp tế bào gốc với căn bệnh này. Sau Nghĩa, Bệnh viện Vinmec đã điều trị thêm một số ca bệnh bại não khác bằng liệu pháp này với kết quả khả quan.