GCC nỗ lực duy trì sự phát triển thịnh vượng

Các nước thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) nhất trí tăng cường đoàn kết khu vực, duy trì nguồn cung năng lượng và thiết lập một khối tài chính, tiền tệ vào năm 2025. Kêu gọi sự đoàn kết giữa các quốc gia GCC nhằm giúp khu vực này đối phó các thách thức, trong bối cảnh GCC được khuyến cáo nếu không tiến hành cải cách sâu rộng hơn sẽ đứng trước nguy cơ mất thịnh vượng sau 15 năm nữa do nhu cầu về dầu thô toàn cầu sụt giảm.

Một góc thủ đô Ri-i-át (A-rập Xê-út).
Một góc thủ đô Ri-i-át (A-rập Xê-út).

GCC, gồm A-rập Xê-út, Ba-ren, Ca-ta, Cô-oét, Ô-man, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), chiếm 20% nguồn cung dầu thô toàn cầu và thu nhập từ dầu thô chiếm từ 70 đến 90% nguồn thu nhà nước. Dựa vào nguồn thu từ dầu mỏ, trong gần 20 năm tính đến năm 2014, sáu quốc gia GCC đã tích lũy được khoảng 2.500 tỷ USD trong các quỹ tài chính và đã đầu tư phần lớn ra nước ngoài thông qua các Quỹ đầu tư quốc gia. Tuy nhiên, sự lao dốc của giá dầu từ giữa năm 2014 đã tác động tiêu cực đến nguồn tài chính của GCC, buộc các nước này phải vay tiền và bán bớt tài sản để ngăn chặn thâm hụt ngân sách. GDP của các nước vùng Vịnh cũng suy giảm. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các nền kinh tế trong khu vực này chỉ tăng trưởng 0,7% năm 2019 từ mức trung bình 2% năm 2018.

Trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu đang trải qua những thay đổi cơ bản khi các công nghệ mới làm gia tăng nguồn cung và việc thế giới chuyển sang sử dụng các loại năng lượng tái tạo nhằm chống biến đổi khí hậu, GCC càng đứng trước nhiều thách thức. Theo IMF, GCC cần phải điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế khi nhu cầu dầu thô suy giảm lâu dài nhằm bảo đảm ổn định tài chính. Các nước GCC đối mặt hệ quả của việc gia tăng chi tiêu quá mức trong giai đoạn 2007 - 2014 nhờ sự gia tăng giá dầu ở thời điểm đó và sau đó nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô sụt giảm mạnh làm suy yếu sự ổn định tài chính khu vực. Ước tính, thâm hụt ngân sách trong khoảng thời gian 2014 - 2018 đã khiến GCC mất khoảng 300 tỷ đến 2.000 tỷ USD. Trong khi đó, nợ chính phủ của GCC đã tăng từ khoảng 100 tỷ USD năm 2014 lên gần 400 tỷ USD năm 2018. Với xu hướng này, dự báo tình hình tài chính của GCC sẽ rơi vào đà tiêu cực vào năm 2034 hoặc đến sớm hơn nữa, biến khu vực này thành nhóm nước vay nợ.

Nghiên cứu về “tương lai của dầu mỏ và ổn định tài chính” tại vùng Vịnh, IMF đã đưa ra dự báo, sự giàu có về tài chính của GCC có thể biến mất vào năm 2034. Theo định chế tài chính này, các nước vùng Vịnh vốn phụ thuộc phần lớn vào dầu mỏ hiện không có lựa chọn nào hơn ngoài việc phải mở rộng cải cách kinh tế để tránh trở thành các quốc gia vay nợ. Ðể nền kinh tế giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ, hầu hết các nước GCC đã khởi động chương trình đa dạng hóa nền kinh tế và cải cách, bao gồm cắt giảm trợ cấp, nâng giá điện và áp đặt thuế giá trị gia tăng, cũng như các khoản thuế khác. Tuy nhiên, IMF nhấn mạnh, đây là những chương trình đi đúng hướng nhưng cần được đẩy mạnh. Việc nhanh chóng đa dạng hóa nền kinh tế là chưa đủ và quá trình này cần đi kèm với việc cắt giảm chi tiêu chính phủ và áp dụng việc thu thuế rộng hơn. Các nước GCC phải hạn chế chi tiêu, cải cách các lĩnh vực dịch vụ dân sự và giảm tiền lương trong lĩnh vực công vì mức lương này đang cao hơn so với tiêu chuẩn quốc tế.

Sự phát triển thịnh vượng sẽ không thể bền vững nếu các nước GCC chỉ phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ. Các quốc gia vùng Vịnh đang nỗ lực tiến hành các bước cải cách. Tuy nhiên, những biện pháp kinh tế - tài chính mới vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro khi người dân các nước trong khu vực vốn đã quen với các khoản trợ cấp và mức thuế thấp.