Anh LCT bị quai bị từ nhỏ và biến chứng của quai bị khiến anh không thể làm bố theo cách thông thường. Vợ chồng anh đã đi vái nhiều nơi nhưng tuyệt vọng. Năm 2015, anh tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội bắt đầu hành trình can thiệp tìm con. Trong lần đầu tiên làm kỹ thuật TESE, anh vẫn thất bại. Đến khi can thiệp bằng Micro TESE, anh chị đã may mắn có được đứa con gái đầu lòng khỏe mạnh. Hiện tại, anh chị đã quyết định chuyển phôi lần hai và còn nhiều phôi trữ đông tại bệnh viện.
Trong suốt quá trình điều trị, cả hai vợ chồng cũng từng rơi vào khủng hoảng dù đã chuẩn bị tâm lý. Tuy nhiên, cả bệnh nhân và bác sĩ đều không bỏ cuộc.
ThS, BS Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu và Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, vô tinh hay còn gọi là không tinh trùng thường chiếm từ 10-15% trong các trường hợp vô sinh nam. Vô sinh nam có thể do đường dẫn bị tắc hoặc không có đường dẫn; do tinh hoàn sản xuất kém hoặc không sản xuất tinh trùng - tình trạng này gọi là vô tinh không bế tắc, thường sẽ khó khăn hơn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô tinh, bao gồm: quai bị teo tinh hoàn, tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ, bệnh về nội tiết tố, cường giáp hoặc suy giáp... Trường hợp tinh hoàn bị tổn thương, hay viêm, xoắn cũng có thể gây vô tinh. Mặt khác, các bệnh viêm nhiễm bộ phận sinh dục như viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn, viêm túi tinh... không được điều trị triệt để có thể dẫn đến tắc nghẽn đường dẫn tinh gây vô tinh bế tắc.
Theo kỹ thuật mới này, nếu bệnh nhân không có tinh trùng nguyên nhân do tắc có thể mổ vi phẫu cắt bỏ đoạn tắc và nối lại ống dẫn tinh, mào tinh. Trong trường hợp không có tinh trùng do tinh hoàn sản xuất kém có thể mổ vi phẫu để “bắt” từng con tinh trùng và tiêm vào bào tương trứng để tạo thành phôi rồi chuyển vào tử cung người phụ nữ.
BS Việt nhấn mạnh, với trường hợp tinh hoàn tổn thương quá nặng do quai bị, tinh hoàn bị teo nhỏ, khả năng sinh tinh kém thì thường cần dùng đến kỹ thuật Micro TESE – phân mô tinh hoàn để tìm tinh trùng. “Kỹ thuật này hiện khá mới tại Việt Nam và cũng được xem là biện pháp cuối cùng để tìm tinh trùng cho những bệnh nhân vô tinh”, BS Việt nói.
Micro TESE là biện pháp can thiệp sâu để bác sĩ “bới móc” toàn bộ tinh hoàn để tìm từng con tinh trùng. Khi tìm tinh trùng trên những mẫu mô nhỏ như vậy thì việc lọc tách cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ. “Nếu như một người đàn ông bình thường mỗi lần xuất tinh có thể được hàng trăm triệu tinh trùng thì việc dùng kỹ thuật này đôi khi chỉ có thể tìm được một vài tinh trùng hoặc vài chục tinh trùng vừa đủ để làm ống nghiệm. Mặt khác, bác sĩ mổ có kinh nghiệm phải là người “canh” rất chuẩn sao cho tinh trùng lấy ra là vừa đủ, không lấy quá nhiều mô gây tổn thương tinh hoàn”, BS Việt cho hay.
Tinh trùng thu được từ Micro TESE sẽ được dùng làm thụ tinh trong ống nghiệm và cho kết quả có con tương đương với thụ tinh trong ống nghiệm bằng tinh trùng trong tinh dịch.
Hiện tại, trong 200 bệnh nhân mổ Micro TESE tìm tinh trùng tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, có khoảng trên 50% tìm thấy tinh trùng. Trong đó, hơn 90% bệnh nhân bị teo tinh hoàn sau quai bị, tinh hoàn < 3ml, nội tiết FSH tăng rất cao mổ có tinh trùng. Nhóm bệnh nhân bất thường về gen, nhiễm sắc thể, dừng sinh tinh nửa chừng tỷ lệ tìm thấy tinh trùng thấp.
Cũng theo BS Việt, nếu bệnh nhân sau mổ lần đầu chưa thể có con, có thể mổ lại được bằng kỹ thuật này lần hai, lần ba. Có rất nhiều bệnh nhân đã từng làm các kỹ thuật PESA, TESE không tìm thấy tinh trùng hoặc bệnh nhân không có tinh trùng đã có con từ tinh trùng “xin” đã thành công nhờ Micro TESE.