Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, hơn một tháng qua, nhiều tỉnh miền trung hứng chịu nhiều đợt thiên tai gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Trong đợt thiên tai vừa qua, nhất là cơn bão số 9, các lực lượng từ Trung ương đến địa phương, nhất là công an và bộ đội đã vào cuộc tích cực ứng phó nên đã giảm thiểu thiệt hại.
Phó Thủ tướng lưu ý, bão số 12 đang vào đất liền các tỉnh miền trung, trọng tâm là khu vực Nam Trung Bộ. Đây là khu vực cũng vừa hứng chịu nhiều đợt thiên tai nên tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại rất lớn. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương lên phương án thật cụ thể để ứng phó với bão số 12, nhất là hoàn lưu mưa sau bão.
Đối với tuyến biển, Phó Thủ tướng lưu ý, các cơ quan liên quan cần phối hợp với các địa phương rà soát để bảo đảm an toàn cho các đối tượng, bao gồm: tàu, thuyền hoạt động trên biển cần di chuyển khỏi vùng nguy hiểm của bão, vào nơi tránh trú an toàn; khu vực nuôi trồng thủy hải sản, kiên quyết không để người dân nào ở lại chòi canh khi bão vào; khu vực các đảo phải bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Với tuyến trên bờ, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải rà soát, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm; đề phòng lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nhà cửa và tính mạng người dân.
Dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 sẽ gây mưa lớn cho nhiều tỉnh miền trung, do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng cần phối hợp với các địa phương rà soát để bảo đảm an toàn cho các hồ thủy lợi và thủy điện.
Phó Thủ tướng chỉ đạo: "Cơn bão số 13 dự báo sẽ vào Biển Đông vào sáng 12-11 và khoảng ngày 15-11 sẽ đe dọa nhiều tỉnh ở khu vực miền trung. Theo đánh giá cơn bão 13 có sức gió rất lớn, có thể giật cấp 15 nếu như không suy giảm. Nếu bão 13 vào khu vực miền trung có thể sẽ gây thiệt hại nặng nề nếu chúng ta chủ quan. Do đó, tôi đề nghị các địa phương cần gấp rút ứng phó với bão 12, mưa sau bão số 12 nhưng cũng cần sớm lên phương án ứng phó với cơn bão số 13". .
Tiếp tục mưa lớn ở miền trung
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, sáng nay, bão số 12 đã vào đất liền các tỉnh Bình Định đến Ninh Thuận. Đây là thời điểm trên đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Khánh Hòa có gió mạnh, mưa to.
Theo ông Khiêm, chiều cùng ngày, bão số 12 đi sâu vào đất liền và tương tác với các địa hình nên đề phòng có gió giật mạnh, tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng và người.
Trong ngày hôm nay và ngày mai, khu vực các tỉnh từ Quảng Trị đến phía bắc Khánh Hòa vẫn có thể mưa từ 150-300mm. Đặc biệt khu vực Thừa Thiên Huế, Quảng Nam có nơi sẽ mưa đến 400mm. Sáng nay, vùng núi các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa sẽ có mưa lớn hơn 12 giờ qua.
Ông Khiêm lưu ý, với lượng mưa như vậy nên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa khả năng sẽ xuất hiện đợt lũ mới, có nơi trên báo động 3. Ngoài ra, khu vực miền trung trong 12 giờ qua đã có mưa lớn, ngày hôm nay vẫn có thể tiếp tục mưa rất to tới 150-300mm nên có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.
Về nhận định cơn bão số 13 sắp vào Biển Đông, ông Khiêm cho biết khi vào Biển Đông bão số 13 di chuyển khá nhanh, cường độ ít suy giảm. Do đó, các địa phương cần đặc biệt lưu ý tới an toàn cho hoạt động tàu thuyền của khu vực này.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, tính đến 6 giờ ngày 10-11, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 60.000 phương tiện (tàu, thuyền) với gần 290.000 người. Hiện tất cả tàu thuyền đã vào nơi tránh trú hoặc thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão.
Tính đến 16 ngày 9-11, đã thông báo, kiểm đếm 926 tàu vận tải tại các vùng nước, cảng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, trong đó có 196 tàu biển và 730 phương tiện thủy nội địa.
Về công việc tiếp theo, quản lý chặt chẽ tàu thuyền tại nơi neo đậu, không để người ở lại trên các phương tiện, chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản khi bão số 12 đổ bộ; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Theo dõi chặt diễn biến của bão số 13 (Vamco), thông tin kịp thời đến thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động các biện pháp phòng tránh.