Gắn sản phẩm OCOP với du lịch cộng đồng

Tây Ninh vừa tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2022; kế hoạch phân hạng sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch thuộc OCOP. Qua đây, có thể thấy sản phẩm OCOP, du lịch nông thôn còn nhiều dư địa phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Ðại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan gian trưng bày các sản phẩm OCOP của Tây Ninh.
Ðại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan gian trưng bày các sản phẩm OCOP của Tây Ninh.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Trương Tấn Ðạt, tỉnh đã triển khai hàng chục lớp đào tạo, hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ tỉnh, huyện, xã và phát hành 813 quyển tài liệu tập huấn kiến thức cơ bản về OCOP dành cho cán bộ quản lý và chủ thể sản xuất. Tây Ninh tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn khởi nghiệp về hệ thống đánh giá, xếp hạng sản phẩm tham gia OCOP, kể cả trên sàn thương mại điện tử...

Sở thực hiện các chuyên trang, phóng sự tuyên truyền về OCOP trên báo Tây Ninh và Ðài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, phát hành hàng nghìn tờ rơi đến các xã, phường, thị trấn cũng như các chủ thể có sản phẩm tiềm năng mong muốn tham gia chương trình. Ðến tháng 3/2023, tỉnh Tây Ninh đã ban hành các quyết định công nhận 68 sản phẩm là sản phẩm OCOP.

Ðó là sản phẩm Yến Loan đạt OCOP của Công ty TNHH Loan Phát Huy là một trong những nhà yến hiện đại đầu tiên tại Tây Ninh. Yến sào Yến Loan được làm từ 100% tổ yến nguyên chất, chất lượng cao, kiểm nghiệm đầu vào và đầu ra định kỳ. Tổ yến được làm sạch và sơ chế hoàn toàn bằng phương pháp "nhặt lông khô" thủ công nên giữ nguyên hình dáng ban đầu của tổ yến, sợi yến to, dài và thơm ngon hơn. Hiện nhiều nông dân các tỉnh, thành phố trên cả nước đã đến Tây Ninh tham quan mô hình nhà yến của công ty.

Hay như sản phẩm của Công ty TNHH Một thành viên Ong mật Bảo An Tây Ninh - doanh nghiệp duy nhất trong tỉnh nuôi ong sau đó sơ chế (lọc, lắng) hút chân không hạ thủy phân (cô đặc), đóng chai, là thương hiệu mật ong duy nhất đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001:2015, tiêu chuẩn VietGAP. Ðây là loại mật khai thác từ các chuyến di cư 500 đàn ong theo những mùa hoa tràm, hoa chôm chôm, hoa nhãn, hoa điều. Ngoài đạt OCOP, đã có rất nhiều đoàn du khách nội địa và nước bạn Campuchia đến tham quan vùng nuôi ong của Bảo An Tây Ninh đặt trong Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật, du lịch, tham quan thiên nhiên...

Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các sở, ngành tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm. Thông qua đó, các địa phương thấy rõ hơn tiềm năng, thế mạnh để có chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn. Sản phẩm OCOP bám sát các yêu cầu của chương trình, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm đặc sắc, truyền thống, chất lượng, truy xuất nguồn gốc góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ðể gắn Chương trình OCOP với du lịch, gần đây thị xã Hòa Thành mở điểm bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch, chợ, nơi tập trung đông người trên địa bàn như Tòa thánh Cao Ðài, chợ Long Hoa, chùa Gò Kén… Trước đây, khách du lịch ít lưu lại dài ngày thì nay, việc kết hợp tham quan núi Bà Ðen, Tòa thánh Cao Ðài gắn với các tour thăm làng nghề, đi thuyền trên sông Vàm Cỏ, tham gia thu hoạch dưa lưới… đã "giữ" họ ở lại Hòa Thành lâu hơn.

Tại thị xã Trảng Bàng hay huyện Gò Dầu, du khách được trải nghiệm nướng bánh tráng tại cơ sở sản xuất bánh tráng Tân Nhiên, sau đó ghé thăm các lò muối tôm, các làng nghề rèn truyền thống trên địa bàn. Hay như thông qua sản phẩm OCOP nhang (hương) tràm Trọng Linh, du khách được trải nghiệm quy trình làm nhang hoàn toàn từ lá cây tràm trà được trồng trên đảo Nhím trên hồ Dầu Tiếng (huyện Dương Minh Châu). Theo đó, lá cây tràm trà phơi khô, được xay nhuyễn, kết hợp với bột cây bời lời, tăm tre phơi khô tự nhiên không tẩm mầu để cho ra được nén nhang tràm trà sạch, an toàn, có mùi hương tự nhiên xua đuổi côn trùng, không gây cay mắt, đau đầu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, Nguyễn Ðình Xuân cho biết: Tất cả các sản phẩm được đánh giá, xếp hạng là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đều đạt các tiêu chuẩn chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã bao bì, dây chuyền sản xuất, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc trong tỉnh gắn với truy xuất nguồn gốc.

Giai đoạn 2023-2025, Tây Ninh phấn đấu có từ 45-50 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao, từ 10-15 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, trong đó tập trung vào các xã phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2023-2025. Nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP chủ yếu là nguồn xã hội hóa, vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, vốn tín dụng ưu đãi từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Tây Ninh, nguồn vốn vay từ các quỹ đầu tư, quỹ phát triển doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã...