Tiêu điểm

Gạn đục, khơi trong

Trong quá trình giao lưu mở rộng mối quan hệ đối ngoại, các tổ chức, cá nhân chức sắc, tín đồ tôn giáo đã không chỉ giới thiệu tới bạn bè quốc tế nền văn hóa đặc sắc của đất nước mà còn tiếp thu nhiều yếu tố mới, có lợi cho việc phát triển tôn giáo nói riêng và văn hóa xã hội Việt Nam nói chung.
0:00 / 0:00
0:00
Đại lễ Phật đản Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc, Hà Nam. Ảnh: Duy Linh
Đại lễ Phật đản Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc, Hà Nam. Ảnh: Duy Linh

Việt Nam là đất nước đa tôn giáo. Cho đến thời điểm hiện tại, Nhà nước đã công nhận tư cách pháp nhân cho 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với hơn 26 triệu tín đồ, chiếm gần 30% dân số. Ngoài ra, đại đa số người dân Việt Nam đều có tín ngưỡng truyền thống, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Thành hoàng,… và nước ta cũng xuất hiện nhiều hiện tượng tôn giáo mới….

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (thời điểm là Phó Thủ tướng) đã nhấn mạnh trong buổi làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ về công tác đối ngoại trong lĩnh vực tôn giáo năm 2013: "… trong xu thế hội nhập mở cửa hiện nay, đối ngoại tôn giáo đã có những đóng góp đáng kể vào công tác đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ đời sống tôn giáo Việt Nam, chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước". Đồng thời, trong buổi làm việc đó, ông cũng đưa ra chỉ đạo: Cần phải tăng cường công tác đối ngoại tôn giáo, đặc biệt là quan hệ với các nước láng giềng gần gũi như: Lào, Campuchia và các nước có đông tín đồ tôn giáo, duy trì các cuộc tiếp xúc với Vatican, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2016, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ra đời và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, nhiều tôn giáo, tổ chức tôn giáo đã mở rộng mối quan hệ đối ngoại. Các hoạt động diễn ra phong phú, đa dạng, về cơ bản tập trung vào các nội dung: hoạt động thuần túy tôn giáo; hoạt động từ thiện xã hội; hoạt động học tập, trao đổi giảng dạy, hội nghị, hội thảo… Quá trình giao lưu này không diễn ra một cách ồ ạt mà luôn có sự gạn đục, khơi trong, vừa tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế, vừa giữ vững tinh thần "Hòa nhập nhưng không hòa tan", giữ lấy nét độc đáo riêng có của tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Trên tinh thần đó, các tôn giáo, tổ chức tôn giáo… ở Việt Nam đã có nhiều hoạt động đáng chú ý. Cụ thể: với Phật giáo: nhiều sự kiện tôn giáo có tầm cỡ quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam như Đại lễ Vesak (năm 2008, 2014, 2019), Đại hội lần thứ 11 Hội nghị "Những người con gái của Đức Phật" tại TP Hồ Chí Minh (năm 2010)… Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trở thành thành viên của các tổ chức Phật giáo lớn trên thế giới: Thành viên sáng lập Liên minh Phật giáo thế giới (Ấn Độ), Hội Phật giáo Thế giới truyền bá Chánh pháp, Hội đệ tử Như Lai tối thượng (Sri Lanka), Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (Thái Lan), Ủy ban Đại học và Cao đẳng Phật giáo Thế giới tại Thái Lan,... Giáo hội đã thành lập Phân ban Phật giáo châu Á vì Hòa bình Việt Nam (ABCP Việt Nam) thuộc Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Với Công giáo, sự kiện Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Antoine Camilleri thăm Việt Nam vào năm 2018 được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng đánh dấu bước tiến triển tích cực trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Vatican. Trong nhiều cuộc gặp gỡ viếng thăm, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Tòa thánh tăng cường quan tâm, tích cực hướng dẫn cộng đồng Công giáo Việt Nam gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước và nâng cao hình ảnh tốt đẹp của Công giáo ở Việt Nam.

Với Tin Lành, Tổng hội Tin Lành Việt Nam miền Bắc và Tổng liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam và một số hệ phái Tin Lành khác có quan hệ giao lưu với các giáo hội Tin Lành quốc tế ở các nước Mỹ, Hàn Quốc, Đức, Singapore, một số nước khu vực Bắc Âu... đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các tổ chức và các cá nhân tôn giáo. Đặc biệt với sự giúp đỡ của một số tổ chức Tin Lành trên thế giới, nhiều hoạt động hướng đến đời sống các dân tộc thiểu số của các tổ chức Tin Lành ở Việt Nam đã bước đầu thu được những đánh giá tích cực.

Islam giáo ở nước ta cũng thường xuyên có mối quan hệ qua lại với cộng đồng Islam giáo trong khu vực, như: Malaysia, Indonesia, Saudi Arabia,… Hằng năm, có nhiều con em người Chăm theo Islam giáo ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Ninh Thuận,... được gửi ra nước ngoài học tập và thực hành tôn giáo. Sau khi trở về, những người này tiếp tục nhiệm vụ chăm sóc đời sống tôn giáo cho các tín đồ trong cộng đồng. Ngoài ra, cộng đồng tôn giáo này cũng nhận được nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng Islam giáo ở nhiều nơi trên thế giới trong việc xây dựng thánh đường, xây dựng các công trình công ích cộng đồng, giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn hay gia tăng việc xuất khẩu lao động sang các quốc gia có cùng tôn giáo.

Đạo Cao Đài là một tôn giáo nội sinh nhưng có quan hệ quốc tế với Cao Đài ở nước ngoài. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, các tín đồ Cao Đài ở nước ngoài đã có những đóng góp đáng kể, kịp thời động viên và giảm bớt một phần gánh nặng cho các tín đồ đồng đạo trong nước…

Những kết quả của việc giao lưu, hội nhập văn hóa của các tôn giáo như đã nêu ở trên đã góp phần làm cho thế giới hiểu hơn về Việt Nam - một đất nước đa dạng về niềm tin tôn giáo, một đất nước yêu chuộng hòa bình; hiểu hơn về chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời còn góp phần làm gia tăng vị thế của Việt Nam trên chính trường quốc tế. Hơn nữa, quá trình giao lưu, hội nhập này còn giúp chúng ta tranh thủ tiếp thu những yếu tố văn hóa, tôn giáo có lợi cho đất nước với phương châm "Hòa nhập nhưng không hòa tan" hướng đến mục tiêu "xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc".