Sau cuộc họp trực tuyến giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến 16 bang vào chiều 10-2, Chính phủ liên bang và chính quyền các bang đã nhất trí kéo dài thêm ba tuần lệnh phong tỏa hiện nay.
Một số điểm chính trong nghị quyết được thông qua sau hội nghị bao gồm: kéo dài lệnh phong tỏa cho tới ngày 7-3; việc mở lại các trường học và nhà trẻ sẽ do các bang tự quyết định theo thẩm quyền; các tiệm cắt tóc có thể hoạt động trở lại từ ngày 1-3 với điều kiện giữ vệ sinh dịch tễ, kiểm soát lượng khách ra vào và khách đến phải đặt hẹn trước và đeo khẩu trang y tế; nới lỏng hơn nữa các biện pháp hạn chế nếu tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống dưới 35 ca trong 7 ngày/100.000 dân, trong đó sẽ mở lại các cửa hàng bán lẻ với điều kiện bảo đảm 20 m2 cho mỗi khách vào mua hàng, mở lại viện bảo tàng, triển lãm cũng như các dịch vụ phải tiếp xúc gần.
Với các cuộc gặp gỡ, Chính phủ liên bang và các bang vẫn nhất trí giữ nguyên quy định hiện hành, theo đó chỉ cho phép các thành viên trong hộ gia đình gặp gỡ một người ngoài. Ngoài ra, nghị quyết cũng khuyến cáo tiếp tục hạn chế các chuyến đi lại không cấp thiết. Làm việc tại nhà vẫn tiếp tục được khuyến khích.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị trên, Thủ tướng Merkel cảnh báo về một làn sóng lây nhiễm thứ ba trong cuộc khủng hoảng Covid-19 nếu mọi người không cẩn trọng trước sự nguy hiểm của các biến thể virus SARS-CoV-2.
Cùng ngày, AstraZeneca cho biết sẽ phối hợp hãng IDT Biologika của Đức để sản xuất thêm vaccine cho châu Âu. Hai công ty này đang nghiên cứu các phương án để đẩy nhanh sản lượng vaccine trong quý II-2021. Theo thỏa thuận, hai công ty sẽ đầu tư để tăng sản lượng sản xuất tại một địa điểm ở Đức nhằm sản xuất hàng triệu liều vaccine một tháng trước cuối năm 2022.
Vaccine ngừa Covid-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp Đại học Oxford của Anh phát triển có thể sử dụng đối với người hơn 65 tuổi, và cả ở những nơi biến thể của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành. Đây là khẳng định mới được các chuyên gia về vaccine của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra ngày 10-2.
Theo Nhóm Chuyên gia Tư vấn Chiến lược gồm 15 thành viên, tính đến toàn bộ các bằng chứng hiện có, WHO đề nghị sử dụng vaccine đối với cả người 65 tuổi trở lên. Vaccine cũng có thể được sử dụng tại những nơi mà các biến thể đang hiện diện. Tuyên bố nêu trên được đưa ra trong bối cảnh một nghiên cứu công bố gần đây tại Nam Phi cho biết có hiệu quả hạn chế đối với biến thể xuất hiện ở quốc gia châu Phi này.
Hôm qua, Bộ Y tế Croatia thông báo đã phát hiện trường hợp đầu tiên mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện đầu tiên tại Anh. Biến thể mới được phát hiện trong các mẫu xét nghiệm của ba người, trong đó có một em bé 3 tuổi.
Giới chức Croatia dự kiến trong cùng ngày sẽ bắt đầu thảo luận về kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch do số ca mắc đã giảm trong tháng qua. Theo đó, các quán cà-phê và nhà hàng có thể được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, hiện chưa rõ sự xuất hiện của biến thể mới ở Anh này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với kế hoạch nới lỏng.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, đất nước với 4,2 triệu dân này đã ghi nhận gần 240 nghìn ca mắc, trong đó có hơn 5.000 ca tử vong.
Phát biểu tại cuộc họp liên ngành diễn ra tại TP Gwangju, ngày 10-2, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nhấn mạnh: "Kỳ nghỉ Tết bắt đầu từ ngày mai sẽ là thời điểm quan trọng, quyết định làn sóng lây nhiễm thứ ba sẽ chấm dứt hay bùng phát trở lại. Người dân luôn đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng dịch Covid-19. Với sự hợp tác của tất cả người dân, Tết năm nay sẽ là một kỳ nghỉ lễ an toàn".
Thủ tướng Hàn Quốc cũng lưu ý thêm rằng: "Cách thức chúng ta đối phó với đại dịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán này sẽ đóng vai trò quan trọng trong thành quả của cuộc chiến cam go mà Hàn Quốc đang thực hiện đối với làn sóng lây nhiễm thứ ba".
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 11-2 (giờ Việt Nam):
Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 27.892.310 ca mắc, 482.817 ca tử vong
2. Ấn Độ: 10.871.060 ca mắc, 155.399 ca tử vong
3. Brazil: 9.662,305 ca mắc, 234.945 ca tử vong
4. Nga: 4.012.710 ca mắc, 78.134 ca tử vong
5. Anh: 3.985.161 ca mắc, 114.851 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.183.555 ca mắc, 32.167 ca tử vong
2. Philippines: 541.560 ca mắc, 11.401 ca tử vong
3. Malaysia: 251.604 ca mắc, 923 ca tử vong
4. Myanmar: 141.487 ca mắc, 3.181 ca tử vong
5. Singapore: 59.747 ca mắc, 29 ca tử vong
6. Thái Lan: 23.903 ca mắc, 80 ca tử vong
7. Việt Nam: 2.109 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 478 ca mắc
9. Brunei: 182 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 45 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Bắc Mỹ: 31.923.240 ca mắc, 696.930 ca tử vong
2. Châu Âu: 31.706.445 ca mắc, 751.432 ca tử vong
3. Châu Á: 23.778.141 ca mắc, 382.281 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 16.643.422 ca mắc, 434.425 ca tử vong
5. Châu Phi: 3.726.812 ca mắc, 96.887 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 50.480 ca mắc, 1.080 ca tử vong