Ngày 24-12, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2021. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Những kết quả nổi bật
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, năm 2020, trong bối cảnh toàn cầu bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 và thiên tai bão lũ xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền trung - Tây Nguyên, nhờ có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành BHXH Việt Nam đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được giao năm 2020
Trong năm 2020, BHXH Việt Nam luôn chủ động bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao như: Thực hiện tốt các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người tham gia; mở rộng đối tượng tham gia; giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý; tăng cường giải pháp để kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN,... Đặc biệt là những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp, người dân trước những ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, do thiên tai bão lũ gây ra.
Ngành BHXH ghi dấn ấn trong năm với công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng 494 nghìn người, gần gấp đôi so với năm 2019. Con số này đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, tăng gấp gần 5 lần so với năm 2015. Cả nước có gần 13,3 triệu người tham gia BHTN (đạt khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Chỉ tiêu bao phủ BHYT tiếp tục có bước tăng trưởng ấn tượng với khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015.
So với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%. Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn. So với các quốc gia phát triển trên thế giới, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân cần từ 40 đến 80 năm, trong khi Việt Nam là 17 năm.
Năm 2020, đã giải quyết hơn 133.300 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng. Qua đó, nâng tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khoảng 3,2 triệu người. Trong năm, có hơn 1,006 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 170.481 người (gần 20,4%) so với năm 2019, tăng 91,2% so với năm 2015.
Đặc biệt, trong trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhằm tạo thuận lợi cho người thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện linh hoạt phương thức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng tại nhà, chi trả gộp hai tháng trong cùng một kỳ chi trả; cấp thuốc BHYT cho người bị mắc bệnh mãn tính; thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; cùng với đó, kịp thời tuyên truyền, giải thích, ngăn chặn tình trạng một số đối tượng lợi dụng, tranh thủ dịch bệnh, thiên tai để trục lợi quỹ BHXH, BHTN…
Cần tập trung mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận sự đổi mới, nỗ lực của ngành BHXH trong thời gian vừa qua. Tỷ lệ 90,85% dân số tham gia BHYT được các tổ chức quốc tế đánh giá, vì BHYT toàn dân là phải đạt hơn 90%. Trung bình trên thế giới, các nước mất 40 đến 70 năm, Việt Nam thực hiện chỉ trong vòng 17 năm. Đây không chỉ là nỗ lực của BHXH Việt Nam, mà còn là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, chỉ tiêu về phát triển BHXH tự nguyện năm 2020 tăng rất nhanh, gấp đôi năm 2019. Tới đây, ngành BHXH sẽ đạt được kỳ tích trong lĩnh vực BHXH như BHYT.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung mở rộng diện bao phủ BHXH. Chỉ tiêu về BHXH khó hơn BHYT rất nhiều. Chính sách BHYT liên quan trực tiếp đến sức khỏe, và thực hiện hằng năm, người dân sẽ nhìn thấy lợi ích ngay. Còn chính sách BHXH là dài hạn. Vì vậy, quan trọng nhất là làm thay đổi suy nghĩ, thói quen của người dân, sẽ không phải là mua gạo, thóc, vàng dự phòng mà là tham gia BHXH. Chúng ta cần quyết tâm đổi mới, có đề án cải cách hệ thống bảo hiểm. Cùng với đó là biện pháp giao kế hoạch, xem xét kết hợp với gói hỗ trợ an sinh xã hội. Chỉ có hệ thống bảo hiểm với độ bao phủ lớn, cơ bản toàn dân, an sinh xã hội mới bền vững.