G20 xem xét đề xuất lập quỹ đối phó với đại dịch trong tương lai

NDO -

Nhóm các chuyên gia nhận định các chính phủ cần dành 75 tỷ USD trong 5 năm tới để chuẩn bị ứng phó với những cuộc khủng hoảng do dịch bệnh gây ra.

Các quan chức ngoại giao Italia chào mừng các đại biểu đến tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20, tại Matera, Italy, ngày 29/6/2021. (Ảnh: Xinhua)
Các quan chức ngoại giao Italia chào mừng các đại biểu đến tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20, tại Matera, Italy, ngày 29/6/2021. (Ảnh: Xinhua)

Đại dịch Covid-19 có thể chỉ là tiền đề cho những đại dịch ngày càng nguy hiểm trong tương lai và các chính phủ cần dành 75 tỷ USD trong 5 năm tới để chuẩn bị ứng phó với những cuộc khủng hoảng này.

Đây là nhận định của nhóm các chuyên gia trong báo cáo trước Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở Venice (Italia).

Khoản chi 15 tỷ USD/năm được khuyến nghị, cao hơn gấp đôi mức chi tiêu hiện tại nhưng là "không đáng kể" so với các chi phí của một đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới khác.

Để lấp đầy “những khoảng trống lớn” trong việc chuẩn bị đối phó với đại dịch, nhóm chuyên gia đã xác định bốn lĩnh vực hành động chính gồm: giám sát bệnh truyền nhiễm, sức chống đỡ của các hệ thống y tế quốc gia, việc cung cấp và phân phối vaccine cùng các loại thuốc điều trị khác và quản trị toàn cầu.

Báo cáo kêu gọi thành lập Quỹ đối phó với những đe doạ y tế toàn cầu hằng năm trị giá 10 tỷ USD, cùng với 5 tỷ USD để tăng cường hoạt động trong khuôn khổ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tạo ra các nhóm chuyên trách về đại dịch trong Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển đa phương.

Ngoài ra, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ cần bổ sung thêm khoảng 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chi cho y tế trong 5 năm tới.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, đồng Chủ tịch nhóm chuyên gia gồm 23 thành viên cùng với Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala và cựu Bộ trưởng Tài chính Singapore, Tharman Shanmugaratnam, khẳng định: “Việc chi hàng chục tỷ USD có thể tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ USD” và tỏ ra "lạc quan một cách thận trọng" rằng các khuyến nghị sẽ được thực hiện.

Bà Okonjo-Iweala cũng cho biết, các Bộ trưởng Tài chính cũng có đánh giá tích cực, đồng thời tin tưởng báo cáo sẽ được thực hiện.

Với cương vị là Chủ tịch luân phiên G20, Italia sẽ xem xét các khuyến nghị trên trước khi tổ chức hội nghị chung các Bộ trưởng Y tế và Tài chính vào tháng 10.