Phát biểu dưới hình thức trực tuyến tại hội nghị, Bộ trưởng Batakis nêu rõ, tình trạng lạm phát tăng cao trên phạm vi toàn cầu, nhất là giá lương thực và năng lượng gia tăng, khiến các quốc gia trên thế giới không chỉ đối mặt với vấn đề mất an ninh lương thực mà còn với tình trạng bất bình đẳng gia tăng. Quan chức Argentina cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng phó các thách thức toàn cầu thông qua thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác kinh tế quốc tế.
Tại hội nghị FMCBG lần thứ 3, các đại biểu thảo luận về bảy ưu tiên trong hoạt động theo dõi tài chính toàn cầu, gồm nền kinh tế toàn cầu và rủi ro, các vấn đề y tế toàn cầu, kiến trúc tài chính quốc tế, các vấn đề về lĩnh vực tài chính, tài chính bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng và thuế quốc tế. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati (X.In-đra-oa-ti) nhấn mạnh, G20 cần tiến xa hơn nữa bằng những hành động cụ thể dựa trên tinh thần hợp tác, liên kết và đồng thuận để giải quyết các thách thức toàn cầu.
Mất an ninh lương thực cũng là chủ đề được thảo luận tại cuộc họp của các bộ trưởng G20. Kêu gọi các nước cùng hành động khẩn cấp, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (G.Y-ê-len) cho rằng, các nước nên đưa ra biện pháp hỗ trợ tài chính nhằm giúp những người dân đang gặp khó khăn nhiều nhất, hơn là thực hiện chính sách trợ cấp tốn kém và không hiệu quả. Bà Yellen thúc giục các nước G20 củng cố ngân sách chi tiêu nhằm giải quyết những thách thức về an ninh lương thực liên quan đến xung đột, biến đổi khí hậu và cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19 ■