G20 khó tìm được đồng thuận

Ðạt được một số tiến bộ, song Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kết thúc tại Ấn Ðộ, mà không ra được tuyên bố chung. Việc G20 khó tìm được đồng thuận trong nhiều vấn đề báo hiệu mục tiêu phục hồi tăng trưởng toàn cầu sẽ còn đối mặt nhiều rủi ro tiềm ẩn.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitaraman (giữa) phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm G20 tại Bengaluru, Ấn Độ, ngày 25/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitaraman (giữa) phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm G20 tại Bengaluru, Ấn Độ, ngày 25/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 lần này diễn ra tại Bengaluru, bang Karnataka của Ấn Ðộ trong bối cảnh triển vọng phục hồi tăng trưởng của toàn cầu đã được cải thiện kể từ sau Hội nghị cấp cao G20 tại Bali (Indonesia) hồi tháng 11/2022 khi một số nền kinh tế mấp mé bờ vực suy thoái. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhận định, kinh tế toàn cầu đang tốt hơn nhiều so với dự đoán cách đây vài tháng. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 có thể đạt mức 2,9%, tăng so với mức dự báo 2,7% được đưa ra hồi tháng 10.

Cùng ghi nhận những dấu hiệu tích cực, các Bộ trưởng Tài chính G20 một lần nữa khẳng định cam kết thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu theo hướng phát triển mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện. Các nhà lãnh đạo tài chính nhất trí tiếp tục phối hợp trong các chính sách vĩ mô và hỗ trợ thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Người đứng đầu các ngân hàng trung ương cũng cam kết đạt mục tiêu ổn định giá cả, bảo đảm lạm phát ở mức cho phép.

Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và vấn đề cơ cấu lại nợ khiến hội nghị tại Bengaluru kết thúc mà không có tuyên bố chung được đưa ra. Ấn Ðộ công bố bản tổng kết hội nghị, trong đó đơn giản chỉ tóm tắt các nội dung làm việc trong hai ngày hội nghị diễn ra. Nội dung tổng kết có đoạn nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách tiền tệ, tài khóa, tài chính và cấu trúc hợp lý để thúc đẩy phát triển và duy trì ổn định kinh tế và tài chính trên toàn cầu.

Ghi nhận những nỗ lực của nước chủ nhà Ấn Ðộ, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Nadia Calvino cho biết G20 đạt được tiến bộ trong một số vấn đề, tuy nhiên những cuộc thảo luận tìm tiếng nói chung để giải quyết các thách thức toàn cầu trở nên khó khăn khi xung đột vẫn diễn ra. Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt nhấn mạnh rằng, không nên lựa chọn tập trung giải quyết vấn đề xung đột tại Ukraine hay các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu. Bởi, nếu không giải quyết ổn thỏa các mối đe dọa an ninh toàn cầu thì khó mà đạt được tiến triển nào trong các lĩnh vực khác. Thế nhưng, có ý kiến cho rằng, G20 ra đời cách đây hơn 20 năm là nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế và tài chính, không phải an ninh.

Bên cạnh căng thẳng địa chính trị, G20 cũng không đạt tiến triển trong đàm phán về cơ cấu lại nợ. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn kêu gọi G20 tiến hành phân tích một cách công bằng, khách quan và chuyên sâu về nguyên nhân của vấn đề nợ toàn cầu nhằm tiến tới các giải pháp toàn diện và hiệu quả. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho rằng, Zambia - quốc gia châu Phi đầu tiên "vỡ nợ", đã thực hiện được những cải cách kinh tế ấn tượng và xứng đáng đạt tiến bộ trong đàm phán với các chủ nợ. Việc các chủ nợ và khối tư nhân không đưa ra cam kết cụ thể nào có thể kéo dài tình trạng bế tắc vốn làm đình trệ các chương trình cơ cấu lại nợ tại các nước như Zambia.

Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi kêu gọi G20 tập trung vào những công dân dễ bị tổn thương nhất bằng cách tạo ra một chương trình nghị sự toàn diện. Chỉ ra hàng loạt thách thức hiện nay như khủng hoảng lương thực và năng lượng, niềm tin vào các tổ chức tài chính quốc tế bị xói mòi, gián đoạn trong chuỗi cung ứng… Thủ tướng Modi cho rằng, củng cố niềm tin mới là nhiệm vụ hàng đầu lúc này của nhóm các nền kinh tế dẫn dắt thế giới.