Fitch cảnh báo hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ

Theo TTXVN và tin nước ngoài, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã đưa Mỹ vào diện cần giám sát về nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm do rủi ro vỡ nợ. Cụ thể, xếp hạng tín nhiệm của Mỹ vẫn ở mức cao nhất là AAA, tuy nhiên, Fitch đặt Mỹ vào danh sách giám sát tín nhiệm tiêu cực do những bất ổn về vấn đề trần nợ công.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán New York (Mỹ). (Ảnh REUTERS)
Phiên giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán New York (Mỹ). (Ảnh REUTERS)

Điều này đồng nghĩa với việc Fitch đang xem xét khả năng hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ. Fitch nêu rõ, mức xếp hạng hiện nay phản ánh một thực tế là tình trạng chia rẽ đảng phái gia tăng đang cản trở việc đạt được nhất trí để nâng trần nợ công trước thời hạn chót. Tuy nhiên, Fitch vẫn hy vọng các bên có thể đạt được sự đồng thuận về vấn đề này.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) khẳng định vẫn nhìn thấy cơ hội đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công với đảng Cộng hòa nhằm tránh nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ, trong bối cảnh các bên tiếp tục đàm phán tại Nhà trắng. Quá trình đàm phán đang trở nên gấp rút, khi đang đến gần sát ngày 1/6, thời điểm mà Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính phủ có thể hết khả năng trang trải chi phí cho các hoạt động và có nguy cơ sớm vỡ nợ, với khoản nợ hơn 31.000 tỷ USD.

Giới quan sát cho rằng, có rất ít dấu hiệu cụ thể cho thấy hai bên đang tìm kiếm thỏa thuận về cách tăng trần nợ để cho phép chính phủ vay thêm tiền và tiếp tục thanh toán các hóa đơn sau ngày 1/6. Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà trắng Karine Jean-Pierre đã khẳng định, các cuộc đàm phán vẫn diễn ra hiệu quả. Quan chức này nêu rõ, hai bên hoàn toàn có thể thống nhất một thỏa thuận chung về nâng trần nợ công; cảnh báo, viễn cảnh Mỹ vỡ nợ sẽ rất thảm khốc khi kéo theo hàng loạt rủi ro khác như hàng triệu người thất nghiệp, trợ cấp hưu trí bị ảnh hưởng và có nguy cơ suy thoái kinh tế.

Các chỉ số chứng khoán của Mỹ tiếp tục giảm điểm trong bối cảnh việc nâng mức trần nợ công vẫn bế tắc, kéo theo quan ngại về nguy cơ nền kinh tế Mỹ vỡ nợ. Chốt phiên giao dịch ngày 24/5, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 255,59 điểm, tương đương 0,77%. Chỉ số S&P 500 giảm 30,34 điểm, tương đương 0,73%. Cùng chung xu hướng, chỉ số công nghệ Nasdaq cũng giảm 0,61% xuống còn 12.484,16 điểm.

Trước đó một ngày, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến đợt bán tháo cổ phiếu trong bối cảnh các nghị sĩ của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang cố gắng đi đến thỏa thuận nâng mức trần nợ công. Giá vàng trên thị trường New York cũng giảm trong bối cảnh đồng USD mạnh lên.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ trong năm nay. Các chuyên gia của FED cho rằng, các điều kiện tài chính bị thắt chặt sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu vào cuối năm nay, sau đó nền kinh tế Mỹ có thể phục hồi với tốc độ vừa phải. FED dự báo, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế sẽ giảm tốc trong hai quý tới, sau đó GDP sẽ bắt đầu giảm nhẹ vào quý IV/2023 và quý I/2024.